"ĐỨT GÁNH GIỮA ĐƯỜNG" VÌ HỌC NGÀNH BA MẸ CHỌN
Không ít sinh viên vì những áp lực từ gia đình mà theo học những ngành không có hứng thú. Do đó, không tránh khỏi việc nhiều sinh viên chán nản bỏ học giữa chừng để tìm một hướng đi khác.
Mặc dù thích học ngôn ngữ Hàn, nhưng người thân lại định hướng theo học các khối ngành khoa học tự nhiên vì cho rằng sau này ra trường đi làm lương cao cộng thêm có người thân giúp đỡ nên Nguyễn Thị Yến Quyên (22 tuổi) đành phải thuận theo ý muốn của gia đình và theo học khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. "Mình không hề thích ngành học này nhưng vì không thể thuyết phục được gia đình nên miễn cưỡng nộp hồ sơ. Học ngành theo ý ba mẹ nên ngày nào mình đến lớp cũng là một ngày buồn chán", Quyên nói.
Vì không thể cứ theo đuổi một ngành học mà bản thân không đam mê nên sau 2 năm gắng gượng, Yến Quyên thuyết phục ba mẹ đồng ý cho cô đi du học. Thế nhưng, đất nước cô nàng gen Z đặt chân đến cũng phải theo ý của ba mẹ. Quyên kể: "Mình thích đi Hàn Quốc nhưng vì có người thân bên Mỹ nên ba mẹ muốn mình phải sang đó. Không còn cách nào khác, mình đi học IELTS và sau 2 lần phỏng vấn mình đều trượt, vì không muốn đi nên chả có động lực để học".
Vì quá bất lực khi không được theo đuổi điều mình yêu thích nên có khoảng thời gian cô nàng rơi vào trạng thái rơi tự do, không muốn làm gì. Nhưng cũng nhờ vậy mà gia đình đã chấp thuận cho Quyên sang Hàn Quốc du học. "Sau gần 3 tháng học tiếng, mình đậu ngay lần đầu tiên. Hiện tại, mình đang học tại Trường ĐH Myongji và rất hạnh phúc vì cuối cùng cũng được thỏa mãn ước mơ", Quyên nói.
Cũng vì chiều lòng ba mẹ mà theo học ngành kế toán, Ngô Thị Hồng Phúc (24 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chia sẻ: "Sở trường của mình là viết lách nhưng vì mong muốn của gia đình nên bắt buộc mình phải học ngành mà bản thân không hiểu biết gì. Càng học mình càng thấy bế tắc nhưng không dám xin ba mẹ cho chuyển ngành. Trầy trật suốt 4 năm để cầm trên tay tấm bằng ĐH nhưng mình chỉ thấy áp lực", Phúc kể.
Phúc cho biết thêm sau khi ra trường, ba mẹ muốn cô phải làm kế toán cho một công ty gia đình quen biết nhưng Phúc không muốn bị áp đặt thêm nữa. "Mình đã cãi ba mẹ và xin họ cho mình được làm việc mà mình muốn. Dù không nhận được sự đồng thuận nhưng mình quyết tâm tự học viết content, lập ra kế hoạch cho bản thân", Phúc trải lòng.
THOÁT KHỎI ĐỊNH HƯỚNG CỦA BA MẸ ĐỂ CHỌN NGÀNH HỌC THEO SỞ THÍCH
Vì không muốn phải theo học một ngành mà bản thân không hề hứng thú, nhiều bạn trẻ đã đấu tranh để thoát khỏi định hướng của ba mẹ và theo đuổi ngành học mà mình yêu thích.
"Nhà mình các anh chị đều đi học, đi làm theo định hướng của gia đình, riêng mình từ khi học THPT cho tới lúc đi làm, luôn tự quyết định mọi việc mặc cho ba mẹ có phản đối. Vì chỉ có mình mới hiểu rõ bản thân thích gì và thế mạnh nằm ở đâu. Đương nhiên việc học rồi đi làm là cả một chặng đường với rất nhiều vấp ngã nhưng mình chưa bao giờ hối hận. Hiện tại, mình đang làm hướng dẫn viên cho một công ty du lịch tại Đà Nẵng, công việc đúng với sở thích và mức lương khá ổn", Vũ Minh Quang (23 tuổi), ngụ tại đường Mai Chí Thọ, P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, chia sẻ.
Cũng không nghe theo định hướng của ba mẹ nên Huỳnh Thị Thanh Cúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã chọn học ngành mà cô nàng yêu thích. Cúc kể: "Mình học giỏi văn và rất yêu thích ngành văn học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn nhưng gia đình lại muốn mình học y hoặc ngôn ngữ Đức để đi du học, trong khi mình không giỏi các môn tự nhiên và cũng không học tốt ngoại ngữ. Thế nhưng, mình thuyết phục mãi gia đình vẫn không đồng thuận nên đã giấu họ đăng ký nguyện vọng theo ngành học mà mình thích".
Nguyễn Hữu Hiệp, sinh viên năm cuối Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết: "Nếu ba mẹ áp đặt lên con cái về việc chọn ngành học thì sẽ vừa là định đoạt, vừa tước đi quyền tự do theo đuổi ước mơ của con; còn con thì lại chới với trong chính sự áp đặt của ba mẹ".
Võ Thị Yến Nhi, học sinh lớp 12 Trường THPT Thái Phiên, tỉnh Quảng Nam, cũng nêu quan điểm: "Việc học một ngành để theo đuổi công việc lâu dài cần rất nhiều yếu tố: sự phù hợp, sở thích, năng khiếu và quan trọng nhất là bản thân mình muốn làm gì. Cho nên, khi bị ép học ngành không mong muốn sẽ không thể phát huy được các điểm mạnh, sự hứng thú cũng như kìm hãm khả năng sáng tạo. Đôi khi việc áp đặt của các bậc phụ huynh lại quá cao so với năng lực của mình cũng khiến bản thân trở nên áp lực, mệt mỏi và không có kết quả".
Thanh Cúc kể thêm vì biết gia đình sẽ không chấp nhận nên Cúc nói rằng đã rớt nguyện vọng 1 là ngôn ngữ Đức để đường đường chính chính theo học ngành văn học. Tuy nhiên, gia đình không đồng tình, nhất là chị gái. "Chị bảo nếu rớt thì nghỉ học ĐH để vào trung tâm học tiếng Đức rồi đi du học, nhưng mình nhất quyết không chịu và tự làm hồ sơ nhập học. Khi biết mình vẫn quyết tâm học văn học, cả nhà đều mắng, trách mình không nghe lời, học ngành đó sau này ra trường sẽ không làm được việc. Tuy nhiên, sau 3 năm học mình cảm thấy bản thân đã chọn đúng. Vì ít nhất được học ngành mình muốn và đam mê", Cúc nói.
Tương tự, Nguyễn Diệu Hiền, sinh viên Trường ĐH Tài nguyên Hà Nội, đã theo học ngành công nghệ thông tin thay vì các khối ngành liên quan đến nhà nước mà ba mẹ định hướng.
"Vì ba làm việc bên phòng địa chính của xã nên muốn mình theo học ngành quản lý đất đai. Nhưng vì yêu thích máy tính từ lúc mới học tiểu học nên mình thuyết phục ba mẹ cho học công nghệ thông tin. Hiện tại, mình đang học năm 3 và rất thích ngành học này, cộng thêm môi trường học tập và bạn bè xung quanh giúp mình phát triển bản thân rất nhiều", Hiền nói.
Bình luận (0)