Gen Z học Truyện Kiều bằng nhiều cách khác lạ

22/02/2023 16:41 GMT+7

Mang đến một góc nhìn mới mẻ và khác biệt về cách tiếp nhận Truyện Kiều, học sinh khối 9 ở Hà Nội đã triển khai dự án "Truyện Kiều đi vào lòng người" để chia sẻ suy ngẫm của mình về những giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều.

Dự án học tập khác lạ này là của học sinh khối 9 Trường phổ thông Dewey (Hà Nội). Điểm nhấn trong dự án là những sáng tạo thú vị mang đậm chất "gen Z" như: thiết kế những chiếc "vé tàu" từ Hà Nội vào Nghệ An - Hà Tĩnh (quê hương đại thi hào Nguyễn Du) bằng hình vẽ minh họa Truyện Kiều, "bói Kiều", kịch bản hóa một chương, đoạn Truyện Kiều cùng với những nghiên cứu qua các bài tiểu luận như: những quan điểm về thiện và ác trong tác phẩm Truyện Kiều; tính công lý trong Truyện Kiều; Truyện Kiều trong lòng các Việt kiều…

"Gen Z" học Truyện Kiều bằng nhiều cách khác lạ   - Ảnh 1.

Học sinh được hóa thân vào nhân vật trong Truyện Kiều để cảm nhận về tác phẩm

L.P

Với dự án "Truyện Kiều đi vào lòng người", học sinh được hiểu về quá khứ với các nghiên cứu về cách thức lan tỏa của Truyện Kiều trong đời sống nhân dân và trong giới trí thức bằng cách "làm lại" những hoạt động của những con người bình dân trong những thế kỷ qua như: đố Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều…

Những hoạt động trên không chỉ thể hiện sự sáng tạo của học sinh mà còn thổi một luồng gió mới cho một tác phẩm kinh điển đang được giảng dạy trong nhà trường.

Với chủ đề "Học sinh Việt kiều tiếp nhận Truyện Kiều như thế nào", một nhóm học sinh lớp 9 Trường Dewey chia sẻ trong bộ phim tài liệu do các bạn sản xuất: "Truyện Kiều là một tác phẩm mà mỗi ngày tìm hiểu, chúng tôi lại thêm ngỡ ngàng về sự giàu có trong ngôn ngữ và sự sinh động trong các sinh hoạt văn hóa của tiếng Việt".

Thế nhưng, nhóm học sinh này cũng cho rằng tiếp cận Truyện Kiều không hẳn dễ dàng, nhất là với các bạn học sinh là người Việt Nam nhưng sinh sống học tập tại nước ngoài, hay các bạn học sinh nước ngoài đang học tiếng Việt. Ở giữa một ngôi trường đa văn hóa, dự án cũng giúp thử tìm hiểu về cách thức Truyện Kiều đang lan tỏa đến mỗi đối tượng học sinh khác nhau ấy ra sao.

 Đỗ Ngọc Linh, học sinh lớp 9 của trường, chia sẻ lý do chọn đề tài: "Hơn 200 năm qua, Truyện Kiều đã tồn tại xuyên suốt với chiều dài lịch sử văn hóa dân tộc. Chúng em là thế hệ trẻ phải là những "đại sứ văn hóa" để lưu giữ di sản có giá trị to lớn này cùng với việc lan tỏa đến với bạn bè quốc tế".

Đưa những giá trị văn hóa đến gần hơn với thế hệ trẻ

Cô nguyễn Diệu Hoa, giáo viên dạy ngữ văn và là chủ nhiệm dự án, cho rằng: Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng trọng tâm phát triển năng lực học sinh, không chỉ năng lực đặc thù mà còn là những năng lực chung, giúp các bạn có thể thích ứng và sáng tạo trong bối cảnh cuộc sống nhiều biến động.

Tiếp cận những ngữ liệu vốn có trong chương trình học tập bằng cách truy vấn về căn cốt: điều gì, bằng cách nào tác phẩm ấy lại có được đời sống lâu bền. Học sinh được "đi lại con đường đó" để có những cảm nhận, đánh giá của riêng mình, từ đó tìm ra cách học, cách làm và cách để đưa những giá trị văn hóa trường tồn hàng trăm năm qua đến gần hơn với thế hệ trẻ.

"Gen Z" học Truyện Kiều bằng nhiều cách khác lạ   - Ảnh 2.

Học sinh chăm chú cảm nhận tác phẩm qua "kịch bản" về Truyện Kiều do chính các bạn mình dàn dựng

L.P

Cách thức tiếp cận này giúp học sinh phát huy năng lực tự chủ, tự học, hợp tác nhóm và năng lực giải quyết vấn đề. Để "bước cùng" với sự phát triển không ngừng của thế giới, các bạn học sinh phải biết "cách học", "cách làm" để vận dụng những kiến thức, kỹ năng được học vào cuộc sống.

Cũng theo cô Diệu Hoa, với cách thức học tập này, học sinh được trao quyền làm chủ việc học, kiến tạo kiến thức cho chính mình. Không những kiến thức về văn học, ngôn ngữ được tiếp nhận mà còn có kiến thức về lịch sử, văn hóa, con người, chính trị… của một tiến trình phát triển dân tộc. Từ hiểu về quá khứ, các em sẽ thêm yêu, trân trọng và tự tin lan tỏa những di sản dân tộc đến với bạn bè quốc tế trong tương lai.

"Với cách thức học tập qua trải nghiệm, những kiến thức các bạn học sinh có được sẽ không bị đóng khung trong lớp học với kiến thức trong sách vở mà sẽ có cái nhìn rộng mở, đa chiều hơn. Các con cũng nhớ, hiểu và yêu hơn tác phẩm này", cô Hoa chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.