Gen Z không ngại “nhảy việc” cũng là vấn đề nan giải cho các doanh nghiệp |
LÊ THANH |
Tìm việc của người trẻ bây giờ rất khác
Ở vai trò quản lý nhân sự cho doanh nghiệp (DN), chị Nguyễn Quế Anh, Giám đốc nhân sự Guardian Việt Nam, cho rằng việc gen Z không ngại “nhảy việc” hiện nay cũng là vấn đề khá nan giải cho các DN.
Theo chị Quế Anh, những bạn trẻ là gen Z lớn lên trong thời buổi internet phát triển mạnh, thông tin rất nhiều, nên họ có nhiều lựa chọn: “Việc dịch chuyển và lựa chọn công việc theo sự dịch chuyển là điều mà chúng ta thấy rõ sự khác biệt so với các thế hệ trước. Gen Z hiện nay sống với tinh thần “tại sao không thử?”. Đó là cơ hội có rất nhiều, không thành công ở đây thì có thể thành công chỗ khác, tại sao không thử thách bản thân đến giới hạn cuối cùng để xem khả năng của mình đến đâu?…”.
Nhiều cơ hội nhưng “nhảy việc” quá nhiều cũng là điều không nên |
Chị Quế Anh cũng chỉ ra từ sau dịch Covid-19, mong đợi việc làm của người trẻ thay đổi rất nhiều và họ quan tâm nhiều đến sức khỏe tinh thần của mình hơn là một công việc mang lại thu nhập, phúc lợi.
“Quan điểm khi tìm việc và để gắn bó tại nơi làm việc, bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Với người trẻ, nơi làm việc không chỉ là một môi trường để học hỏi phát triển nghề nghiệp mà còn quan tâm nhiều hơn ở các khía cạnh khác, như: môi trường đó có tạo được cảm giác để họ thuộc về nơi đó hay không, công ty có quan tâm đến sức khỏe tinh thần của nhân viên hay không, có được làm việc từ xa hoặc tự thu xếp nơi làm việc mà họ mong muốn…”, chị Quế Anh chia sẻ.
Thấy không phù hợp là “nhảy việc” ngay
Theo chị Lê Thị Phương Anh, Trưởng nhóm tạo nguồn, Công ty TNHH Manpower Việt Nam, người trẻ hiện nay “nhảy việc” nhiều đa phần do môi trường và công việc không phù hợp, bên cạnh đó là vì các bạn còn trẻ, khỏe nên muốn thử sức, muốn thử qua nhiều công việc, nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi chọn được môi trường thật sự phù hợp.
“Ngày xưa không có quá nhiều công cụ để tìm kiếm công việc, nên người lao động đa phần cố gắng an phận với công việc của mình. Còn hiện tại, thời đại công nghệ quá phát triển nên việc tìm kiếm công việc không khó, vì thế mà nếu các bạn thấy cơ hội nào đó phù hợp, có mức lương mong muốn… thì họ sẽ sẵn sàng “nhảy việc” ngay, chính vì thế mức độ thay đổi việc của bạn trẻ ngày càng nhiều hơn”, chị Phương Anh nhìn nhận.
Chị Phương Anh cho biết công ty của chị đa phần tuyển về nhóm sales, chăm sóc khách hàng và đây là nhóm công việc mà áp lực về KPI và yêu cầu nhiều thứ như sức khỏe, thời gian làm việc…, vì thế “nhảy việc” còn nhiều hơn.
Khi vào những môi trường mà cảm thấy tiếng nói của mình không được lắng nghe thì chắc chắn các bạn trẻ sẽ không gắn bó lâu dài |
Nữ Vương |
Anh Kevin Tùng Nguyễn, sáng lập và điều hành ứng dụng tìm việc làm JobHopin.com, cho rằng: Dịch vụ, bán lẻ, chứng khoán, bất động sản… là những ngành mà bạn trẻ “nhảy việc” rất cao. Cứ 3 - 6 tháng mà thấy không có doanh thu, không được huấn luyện kỹ càng, hoặc vừa xong huấn luyện là họ thay đổi qua những công việc khác, lương ở các nơi khác cao hơn một tí là các bạn sẽ “nhảy” ngay.
Anh Kevin nhận định: “Tùy theo ngành và tùy địa phương, như ở TP.HCM thì tỷ lệ “nhảy việc” sẽ cao hơn so với những nơi khác. Vì thị trường ở TP.HCM thay đổi cực kỳ nhanh, có rất nhiều cơ hội khác cho những bạn vừa trẻ, giỏi, vừa có nhiều khả năng về ngôn ngữ, khi những tập đoàn đa quốc gia liên tục vào VN và họ sẵn sàng trả lương cao”.
Qua rồi quan niệm người lớn áp đặt
Trước thực tế đó, chị Quế Anh cho rằng: “Thế hệ này được lớn lên trong môi trường năng động thì việc dịch chuyển công việc cũng là điều dễ hiểu, buộc các DN cũng phải thay đổi. Đây là thách thức lớn đối với DN mà trực tiếp là những người quản lý nhân viên, nếu thực sự không hiểu nhân viên của mình muốn gì và không đặt mình vào vị trí của họ thì khó có thể giữ chân được nhân viên ở lại làm việc lâu dài”.
Chị Quế Anh cho rằng hiện nay DN không chỉ tập trung vào lương bổng hay phúc lợi để thu hút nhân sự mà còn phải tập trung xây dựng môi trường làm việc để nhân viên được là chính họ; những gói phúc lợi cũng phải rất linh hoạt để phù hợp với những thay đổi từ sau dịch; cũng như thời gian, địa điểm làm việc phải linh động cho người trẻ, xem lại những gói chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân sự…
Thừa nhận việc “nhảy việc” của người trẻ hiện nay là một thách thức lớn cho DN, chị Phương Anh cho biết đặc biệt là đối với những bạn trẻ mới ra trường, vì các bạn chưa có gì trong tay nên sẵn sàng từ bỏ để bắt đầu một cái mới, và tần suất “nhảy việc” do đó cũng sẽ nhiều hơn.
“Vì thế là thách thức đối với người làm quản lý những nhân sự trẻ. Bản thân mình cũng phải suy nghĩ làm gì để những bạn trẻ gắn kết lại và làm việc với mình trong một thời gian nhất định. Ngoài việc quan tâm thu nhập, thì phải làm thêm các động thái như là cho các bạn thấy được một lộ trình phát triển nhất định trong quá trình các bạn làm việc tại công ty. Phải có kế hoạch cụ thể để các bạn thấy bản thân có phù hợp không để chọn đi theo mình lâu dài hơn”, chị Phương Anh trăn trở.
Theo anh Kevin, để giữ chân nhân sự là gen Z không "nhảy việc" thì đầu tiên các DN nên hiểu và tôn trọng nhu cầu riêng của các bạn. “Người châu Á mình hay có quan niệm nhỏ tuổi hơn thì bắt buộc phải nghe lời người lớn, nhưng với gen Z được tiếp xúc với các nền văn hóa quốc tế từ sớm, khi vào những môi trường mà cảm thấy tiếng nói của mình không được lắng nghe thì chắc chắn các bạn sẽ không gắn bó lâu dài. Thay vào đó, mình nên học cách tôn trọng ý kiến và cảm xúc của đối phương, hướng dẫn chỉ bảo các bạn thay vì gò bó, áp đặt. Nhiều khảo sát đã cho thấy khi đi làm thì các bạn gen Z đề cao môi trường, tinh thần nơi làm việc còn hơn cả mức lương thưởng, đãi ngộ khác”, anh nói.
Bình luận (0)