DÙNG ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU ĐỂ KHỞI NGHIỆP
Trương Ái Vy, Trần Vũ Hoài An và Huỳnh Quý Nguyệt là nhóm gen Z cùng học ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Nhận thấy nhu cầu cũng như xu hướng của nền nông nghiệp hữu cơ, đồng thời sự chuyển đổi của thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang hữu cơ đang được quan tâm, đến gần năm 3 đại học, cả ba thành lập nhóm để làm đề tài nghiên cứu về các chế phẩm vi sinh. Nhờ sự hướng dẫn của giảng viên, nhóm sinh viên đã chế tạo nên các sản phẩm có tính ứng dụng cao, mang dấu ấn riêng biệt là thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ.
Từ thành quả đó, cả nhóm mang đề tài tham dự các cuộc thi khởi nghiệp. Đầu tiên là cuộc thi ở trường, sau đó là các cuộc thi lớn ở Hà Nội, tiếp đến là lọt vào nhóm 20 dự án cuộc thi khởi nghiệp quốc gia. Lấy tiền đề đó, cộng với đam mê khởi nghiệp, nhóm Vy, An, Nguyệt có những bước đi đầu tiên trong hành trình làm chủ.
"Ban đầu, nhóm mình nghiên cứu về công thức bào chế, cho ra sản phẩm thử ở trường. Sau thành công ở các giải khởi nghiệp, chúng mình đã cùng nhau nghiên cứu sâu, làm ra công thức riêng, đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn và từ đó quyết định lập công ty để đưa sản phẩm ra thị trường. Thế là Công ty cổ phần nông nghiệp hữu cơ bền vững Sofa đã được ra đời", An chia sẻ.
Ưu điểm của sản phẩm là phân bón nước và khô, dễ cải tạo đất, tạo dinh dưỡng, trị bệnh, trừ sâu sinh học cho cây, ủ phân hữu cơ. Toàn bộ sản phẩm đều mang tính chất "xanh" và là một vòng tuần hoàn hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp.
Để không mất thời gian, nhóm sinh viên đồng hành với một công ty liên kết để tìm nguồn nguyên liệu, đóng gói bao bì và sản xuất thành phẩm. Nhiệm vụ chính của nhóm là nghiên cứu công thức, tạo dựng thương hiệu và đi bán hàng.
Thời điểm ban đầu, nhóm tập trung nhiều vào thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nhóm bạn trẻ này phải ôm hàng, chạy xe máy đến một số vùng nông nghiệp như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Lâm Đồng… giới thiệu trực tiếp cho nông dân dùng thử miễn phí để lấy niềm tin về sản phẩm.
Chấp nhận ra khỏi "vùng an toàn"
Nói làm chủ nhưng đến nay công ty vẫn chưa tuyển dụng nhân viên nào, mọi công việc đều do 3 sinh viên chia nhau đảm nhiệm. "Chúng mình cùng lúc làm 3 nhiệm vụ chính, vừa xây dựng, vừa bán hàng và làm marketing, nói chung là vừa làm chủ kiêm luôn cả nhân viên. Như mình sẽ làm về bán hàng, chạy quảng cáo, còn An sẽ làm về marketing, Nguyệt sẽ làm về tài chính, kế toán. Chúng mình vừa làm vừa học, làm tới đâu lần mò tới đó", Ái Vy chia sẻ.
Nói về việc làm chủ khi đang độ tuổi gen Z, Vy chia sẻ thêm: "Cảm giác rất áp lực. Áp lực về doanh số bán hàng, tìm khách hàng, áp lực tự làm tự chịu mà không dám tâm sự với gia đình. Sợ gia đình không hiểu và không mong muốn con cái phải khổ vì tự lập quá sớm…".
Ông Huỳnh Văn Hiếu, Giảng viên bộ môn công nghệ sinh học Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết nhu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam hiện nay rất lớn. Những nghiên cứu chế phẩm của nhóm Vy, An, Nguyệt hoàn toàn phù hợp với xu hướng, sự phát triển của nền nông nghiệp Việt trong tương lai.
Không những vậy, vấn đề vốn, tài chính, doanh số cũng là nỗi niềm chung của hầu hết bạn trẻ khởi nghiệp. Ngoài sự hỗ trợ kinh phí nhỏ từ nhà trường, nhóm gần như tự bỏ tiền túi để đầu tư. Những lần nhịn ăn, hay phải ăn mì gói trường kỳ để dành tiền nghiên cứu cũng diễn ra thường xuyên. Rồi việc bất đồng quan điểm, cái tôi cao của người trẻ cũng là một trở ngại lớn.
"Để làm chủ phải biết hy sinh, không nằm trong vùng an toàn mãi được. Chúng mình chỉ mới 21 tuổi, nếu có va vấp cũng là một bài học, trải nghiệm và còn nhiều thời gian để làm lại. Chủ yếu là nhiệt huyết hết mình với con đường mình đã chọn", An bày tỏ.
Với Vy, sự hy sinh ở đây còn là thời gian và tuổi thanh xuân. Thời gian hầu như chỉ dành cho công việc, sáng đến trường để học, báo cáo tốt nghiệp, buổi trưa và chiều tối lại vội chạy đến công ty để làm việc. Có lúc thức đến gần sáng để bàn bạc, tìm hướng khi ra sản phẩm mới…
Nhìn lại khoảng thời gian làm chủ, những bạn trẻ này cho rằng bài học nhận được là hạ cái tôi cá nhân của tuổi trẻ. Cố gắng học hỏi từ những người đi trước, hoàn thiện bản thân một cách tốt nhất.
Tuy nhiên theo các bạn, với gen Z khởi nghiệp, điều cần nhất là tư duy dám nghĩ dám làm, sự tự tin, giao tiếp tốt và các mối quan hệ bên ngoài. "Từ đó sẽ nhận được thành quả xứng đáng với công sức đã bỏ ra khi gặt hái được những thành công mà mình tạo dựng", An khẳng định.
Bình luận (0)