Tại buổi trò chuyện về ChatGPT diễn ra ngày 25.3 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (Q.1, TP.HCM), thạc sĩ Ngô Hữu Thống, Chánh văn phòng Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá hiện nay trong một môi trường lao động ngày càng cạnh tranh, gen Z nếu làm chủ được cách thức sử dụng các công cụ Chat GPT sẽ có lợi thế lớn hơn.
Thạc sĩ Thống cho biết ChatGPT đang gây chú ý trong thời gian gần đây thông qua các hình thức quảng cáo của nhà sản xuất ứng dụng Open AI. ChatGPT giúp người dùng trao đổi trực tiếp thông qua hình thức hỏi đáp là chính với những cơ sở dữ liệu thu thập được trên internet, mạng xã hội, các trang web kể từ năm 2021 trở về trước.
Để sử dụng hiệu quả ChatGPT vào chuyển đổi số, thạc sĩ Thống khuyến khích sinh viên có thể sử dụng ChatGPT để tìm kiếm thông tin về các đề tài đang học hoặc tìm kiếm các tài nguyên hữu ích cho viết luận.
Tuy nhiên, sinh viên vẫn cần phải chỉnh sửa nhiều để bài viết trở nên sáng tạo và có cá tính hơn. Đặc biệt là cần phải kiểm tra lại độ chính xác của các số liệu, dẫn chứng mà ChatGPT cung cấp. Nhìn chung, sinh viên cần phải có kinh nghiệm và trình độ trong cùng lĩnh vực thì mới cho ra một bài viết tốt.
“ChatGPT sử dụng hệ dữ liệu lớn đến từ hàng tỉ trang tài liệu đã được công bố trên khắp thế giới, do đó nó có thể viết được một tiểu luận tốt với thông tin đầy đủ và tương đối chính xác”, anh Thống chia sẻ.
Theo anh Thống ChatGPT có thể hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực mới. ChatGPT có thể được sử dụng để phân tích và tổng hợp các tài liệu khoa học và báo cáo. Ngoài ra, Chat GPT cũng có thể tạo ra các đề xuất nghiên cứu và phân tích dữ liệu. Với sức mạnh tự học, Chat GPT đã tạo ra cơ hội cho các công nghệ giáo dục mới. Chính vì vậy, tác động của nó đối với giáo dục hiện nay có thể được coi là rất lớn.
Chia sẻ về thực trạng vận dụng ChatGPT trong học tập, anh Thống nói: “ChatGPT có thể được sử dụng để tạo ra các câu hỏi và bài tập, hỗ trợ quá trình kiểm tra kiến thức của học sinh. Ngoài ra, ChatGPT cũng có thể giúp giảng viên tạo ra các bài giảng và tài liệu học tập một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Chat GPT có thể hỗ trợ học sinh và giảng viên trong quá trình phát triển kỹ năng viết và đọc hiểu ngôn ngữ.
Vị chuyên gia công nghệ này nhìn nhận việc sử dụng ChatGPT trong giáo dục cũng đặt ra nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là việc đảm bảo tính chính xác của kết quả từ ChatGPT. ChatGPT đôi khi có thể đưa ra các câu trả lời không chính xác hoặc không phù hợp với ngữ cảnh.
“ChatGPT là một công nghệ đang được phát triển với nhiều tiềm năng trong giáo dục. Tuy nhiên, việc sử dụng ChatGPT cũng đặt ra nhiều thách thức và tranh cãi. Việc sử dụng ChatGPT trong giáo dục cần được đánh giá một cách cẩn thận và hợp lý để tận dụng tối đa lợi ích từ công nghệ này mà không làm mất đi tính tương tác và sự gắn kết giữa giảng viên và sinh viên”, thạc sĩ Thống cho biết.
Đến tham dự chương trình với mong muốn tìm hiểu sâu về ChatGPT để ứng dụng vào việc học tập cũng như việc làm trong tương lai, Trần Thị Thảo Vy, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, chia sẻ: “Trước khi ChatGPT ra đời, mình vẫn sử dụng Google để tìm gợi ý, hoặc website, văn bản tham khảo cho chủ đề mà mình muốn nghiên cứu, sau đó mình phải thực hiện thao tác lọc thông tin và tổng hợp thông tin. Nhưng hiện nay, mình thấy ChatGPT có thể phần nào làm thay và tổng hợp thông tin. Tuy nhiên, khi sử dụng mình nghĩ nên chọn lọc và điều chỉnh lại thông tin theo định hướng mà mình nhắm đến”.
Bình luận (0)