Đường Chu Mạnh Trinh có các gian hàng bán các món miền Bắc, tiểu thương cũng là người gốc Bắc vào TP.HCM lập nghiệp hàng chục năm nay.
Khách đến mua chủ yếu là người quen nên việc buôn bán diễn ra nhanh gọn. Trước tết khoảng một tháng, người bán tất bật nhập hàng để phục vụ nhu cầu tăng cao của thực khách.
Bà Võ Thị Kim Phương (56 tuổi, quê Hà Nam) vào TP.HCM mở gian hàng đồ bắc cách đây khoảng 30 năm. Gian hàng của bà có đầy đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, hành kiệu, xôi, bánh dày, giò chả, măng khô…
Từ đầu tháng chạp, khách quen đã đặt hàng nhưng cận tết bà mới bắt đầu chế biến cho tươi ngon. Ngoài ra, những mặt hàng khô bà phải đặt từ ngoài bắc vận chuyển vào mới đúng chất lượng khách muốn mua.
"Hiện có nhiều đơn vị đã ăn tất niên nên đặt bánh chưng đãi tiệc. Dù vậy nhưng lượng bánh họ đặt ít hơn năm ngoái. Tôi cũng hiểu điều này là do năm nay kinh tế khó khăn, có những nơi công nhân nghỉ làm sớm, không đầy đủ như nhiều năm trước", bà Phượng cho biết.
Nhiều người miền nam thích ăn đồ bắc cũng tìm đến mua về thưởng thức.
Đường Chu Mạnh Trinh bán nhiều món ăn truyền thống miền bắc
"Tôi bán những món ăn truyền thống nên nhiều người cho rằng kinh tế khó khăn nhưng dịp tết vẫn không thể thiếu mấy món đó được. Dù chậm nhưng nhìn chung vẫn bán được. Năm nay, tôi đã bán hết dưa hành vì những năm trước nhiều người ăn thấy ngon nên đặt từ sớm", người phụ nữ cho hay.
Bánh cúng hình rồng, cá chép đắt khách: Chủ tiệm nắm cơ hội quyết bán xuyên tết
Ngày thường, bánh chưng được bán với giá 80.000 đồng/kg nhưng từ ngày 20 tháng chạp tăng lên 100.000 đồng/kg. Mức giá này tương tự như năm ngoái. Khi khách đặt, bà chỉ gói trước một ngày để đảm bảo sự tươi ngon.
Cách gian hàng của bà Phương không xa là gian hàng của bà Kim Liên (42 tuổi). Bà Liên quê gốc Nam Định vào TP.HCM bán các món ăn truyền thống của miền Bắc như bưởi diễn, xôi, giò bò, bánh chưng…
"Năm nay nhà tôi nhập ít hàng hơn vì biết tình hình kinh tế năm nay khó khăn hơn, người dân mua lai rai. Giá cả dịp tết đắt hơn ngày thường, tôi tự làm bánh chưng bán nên khách quen đến mua nhiều", bà Liên nói.
Bà Nguyễn Thị Hằng (50 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) ghé đường Chu Mạnh Trinh mua miến dong, bánh dày… Bà cho biết, đây là địa chỉ quen thuộc mỗi khi muốn mua nguyên liệu nấu món Bắc. Bà quê gốc ở Hà Nội, gia đình vào TP.HCM sinh sống sau năm 1975.
"Trước đây tôi sống ở Q.1 nhưng giờ đã chuyển nhà, cách đường Chu Mạnh Trinh 4 – 5 km nhưng vẫn quay lại đây mua. Dù ở chợ có nhiều người bán đồ bắc nhưng tôi vẫn mua ở đây vì quen vị, người bán cũng nhiệt tình", bà Hằng bày tỏ.
Chuyện từ những chiếc thuyền hoa miền Tây chở hạnh phúc tết: Nỗi lo tạm gác lại...
Bình luận (0)