Ghế phụ tàu tết

19/02/2013 11:05 GMT+7

Tôi xuống ga Nha Trang lúc 14 giờ 15 ngày 17.2 sau hành trình mệt mỏi chưa từng trải qua.

Sau thời gian thăm người thân ở Quảng Bình, tôi và bố mẹ cùng có mặt tại ga Đồng Hới tối 16.2 sớm hơn giờ ghi trên vé khoảng 30 phút để tránh nhỡ tàu. Tôi đi tàu SE13 đến Nha Trang, trên vé ghi khởi hành lúc 20 giờ 05. Bố mẹ tôi đi Thanh Hóa, tàu TN6 khởi hành 19 giờ 53. Dù vậy, tàu của tôi có mặt tại ga trước.

Ghế phụ tàu tết 
Một toa tàu chật chội với dãy ghế phụ ở lối đi ( ảnh chụp ngày 17.2, tức mùng 8 tết trên tàu SE13) - Ảnh: Nguyễn Chung

Nghe nhiều người nói đi tàu tết vất vả lắm, nhất là hành khách ngồi ghế phụ. Tôi muốn trải nghiệm nên cố ý mua một vé như thế cho hành trình đầu năm. Ghế phụ là ghế nhựa không có chỗ dựa, thường thấy ở mấy quán cà phê cóc vỉa hè. Ở đây, nhà tàu sắp xếp cho hành khách đi vé ghế phụ ngồi ở lối đi giữa hai dãy ghế “chính”. Một toa có khoảng chục người đi ghế phụ. Tôi vừa lên tàu thì nhiều người chen chúc xuống ga, họ mua vài thứ đồ ăn, thức uống rồi vội vã trở lại tàu. Anh nhân viên toa 1 nói oang oang: “Cứ đi từ từ, đừng xô đẩy. Phải tránh tàu, gần 30 phút nữa tàu mình mới chạy”. Khi tàu SE13 chạy, vẫn chưa thấy tàu TN6 đến.

Tàu rời ga được khoảng 30 phút lại dừng để nhường đường cho tàu khác qua. Trên chuyến tàu tôi đi, do đông khách nên thùng rác ở đầu mỗi toa thường ùn ứ. Một túi ni lông màu đen được để sẵn nhưng cũng hết chỗ chứa, nhiều vỏ hộp mì ăn liền, chai nước ngọt vương vãi. Hàng ghế phụ chỉ chừa lại lối đi chừng một gang tay. Một số người không chịu được cách “ngủ ngồi” đành trải chiếu nằm luôn ra sàn tàu. Ai đó qua lại phải khéo léo mà luồn lách để không dẫm lên chân, tay những người đang nằm ngủ. Đa số hành khách đi ghế phụ là những người nghèo ở Thanh Hóa, Nghệ An, thuộc thành phần “lao động chân tay” vào tìm việc tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Những gương mặt uể oải thấy rõ. Một hành khách hỏi nhân viên nhà tàu: “Có thể bật tivi lên xem để giết thời gian không?”. Anh nhân viên nọ đáp: “Dịp tết nên nhân viên bên chỗ tivi nghỉ rồi”.

“Mấy giờ mà đánh răng thế?” - một hành khách đi toilet thấy anh bạn ngồi gần đang đứng ở bồn rửa mặt, hỏi. “2 giờ, nhưng không ngủ được, cứ vật vờ nên dậy vệ sinh cá nhân, ngậm viên kẹo cho tỉnh táo. Mà giờ này cho nó “an toàn”, chứ sáng mai cả mấy chục người chen chúc, chờ đợi đánh được hàm răng cũng phải đến trưa” -  anh ta đáp.

Đến ga Huế. Một hành khách lỉnh kỉnh vác hành lý xuống. Một chị chừng 40 tuổi ngồi ghế phụ gần đó cứ nhìn chằm chằm vào cái ghế trống vừa bỏ lại. Chị nhanh nhẹn “lấp vào chỗ trống” và tự thấy mình may mắn vì tàu đã tiếp tục hành trình mà không có ai lên tại ga Huế. Chị này được ngồi ghế “chính” đến ga Đà Nẵng.

Càng về khuya, sự mệt mỏi càng hiện rõ trên mặt hành khách đi ghế phụ. Một số người chụm lại nói chuyện. Họ hỏi nhau chuyện Tết, chuyện công việc. Nhưng cũng không bỏ qua việc bàn tán đến chuyện đi tàu tết. Có người than thở: “Tàu chạy chậm quá. Ngồi thế này đến nơi chắc vẹo lưng, mai ốm khỏi làm luôn”. Người ngồi gần đó chép miệng, tự động viên: “Tàu tết mà. Chậm, chật chội nhưng an toàn và dù sao cũng không bị nhồi nhét như xe khách”.

7 giờ 30 sáng, điện thoại tôi reo lên. “Bố mẹ đến Thanh Hóa rồi nhé. Hôm qua 12 giờ đêm mới lên tàu. Họ thông báo là có toa bị sự cố ở Đà Nẵng nên tàu mới bị trễ thế”. Dù tôi mua ghế ngồi mềm điều hòa cho bố mẹ, nhưng cả hai vẫn phải đi ghế cứng, lý do là toa bị sự cố nhằm trúng toa ghế mềm của bố mẹ tôi. Nhà tàu nói về đến nơi sẽ giảm 30% vé. Tự nghĩ: Ngồi ở ga đợi tàu 3 tiếng đồng hồ, rồi từ vé ghế mềm lại đi ghế cứng, thế cũng chẳng hơn ghế phụ là bao. Thôi thì, như một hành khách cùng toa với tôi nói: “Tàu tết mà, đã đi thì chấp nhận vậy”.

Nguyễn Chung

>> Vé tàu tết: Nhu cầu 1 triệu, đáp ứng 100.000
>> Nửa đêm đi mua vé tàu tết
>> Nhộn nhịp xe "dù", chầu chực vé tàu
>> Tàu hỏa chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tại Quảng Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.