Chùa Phổ Minh là ngôi chùa cổ tọa lạc tại thôn Tức Mạc thuộc tỉnh Nam Định, quê hương của các vua Trần. Chùa còn được gọi là chùa tháp Phổ Minh, bởi đây là nơi lưu giữ bảo vật tháp Phổ Minh tượng trưng một thời Hào khí Đông A nhà Trần.
Tháp Phổ Minh là một công trình kiến trúc độc đáo. Đây là ngôi chùa tháp lớn nhất, cổ nhất và còn nguyên vẹn nhất ở Việt Nam.
Theo sử sách ghi lại, thời nhà Trần, vua Trần Nhân Tông sửa lại chùa và cư trú ở đó khi xuất gia. Lúc vua Trần Nhân Tông mất, vua Trần Anh Tông xây tòa tháp cao 14 tầng gồm 53 thước, chân mỗi bề 10 thước để cất xá lỵ. Thời Tây Sơn, quan trấn giữ vùng này phá đỉnh tháp hồ lô bằng đồng. Khi phá tới tầng thứ 13 nơi hòn đá thì thấy có một vật hình dải lụa đỏ bay lên trời nên không phá nữa.
Tháp được xây trên một sân nhỏ hình vuông, mỗi chiều 8,6 m và nằm thấp hơn so với mặt đất 0,45 m. Chiều cao của tháp 19,51 m, gồm 1 kiệu bát cống (phần đế của tháp) và 13 tầng.
Đế tháp được thiết kế hoàn toàn bằng đá xanh, mỗi cạnh dài 5,20 m. Dưới chân tháp có một băng hoa sen có cánh to cánh nhỏ từ giữa nghiêng dần về góc tháp biểu tượng một đài sen nâng kiệu. Phần dưới bệ đá được tạo dáng cong theo hai phía khiến người xem dễ lầm tưởng do đá bị lún nhưng thực chất dụng ý này nhằm xây dựng để tạo đà cho hơn một 10 tầng phía trên đều có độ cong tương tự.
Ngắm toàn cảnh cây tháp, người xem liên tưởng đến một bông hoa sen đang vươn lên và nở ra giữa hồ nước.
Tháp được xây bằng gạch đỏ mở 4 cửa ở bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Trước đây, tại các tầng của tháp đều để lộ họa tiết con rồng chầu kết hợp cùng việc trang trí hoa lá tạo nên nhãn quan sinh động, các tầng tháp càng lên cao thì chiều cao và chiều rộng của mặt tháp càng nhỏ dần. Trên cùng cây tháp là một hình khối có dáng một đóa hoa sen chưa nở bằng đất nung già.
Tuy nhiên, sau này, vào những năm đầu thế kỷ 20, khi tu sửa người ta đã khoác cho cây tháp một "tấm áo" bằng vật liệu xi măng làm mất đi những hoa văn trên viên gạch.
Khoảng đến năm 1987, một số tầng tháp phía trên đã bị rễ cây xâm thực gây nứt rạn và đã được ngành văn hóa tu sửa. Cũng trong thời điểm thực hiện tu sửa này, người ta phát hiện tại vị trí tầng 11, 12 của tháp có một quách bằng đá vây quanh một hộp đồng, mà theo nhân dân truyền tụng thì đây có thể là hộp đựng xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Đến nay, chùa tháp Phổ Minh đã tồn tại qua 7 thế kỷ, mặc dù trải qua nhiều sóng gió, thiên tai giặc giã nhưng cây tháp vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, trở thành một kỳ quan quý hiếm, làm nên nét độc đáo không chỉ riêng của chùa tháp Phổ Minh mà còn cả tỉnh Nam Định nói chung.
Hiện nay trên cả nước chỉ còn ba cây tháp được xây từ thời Trần, đó là tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Huệ Quang (Yên Tử, Quảng Ninh) và tháp Bỉnh Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), trong đó tháp Phổ Minh là ngọn tháp bề thế hơn, xây dựng công phu, mỹ thuật, kỹ thuật hơn cả.
Bình luận (0)