Tăng ngày sử dụng điện trong một hóa đơn
Ngày 13.4, hộ ông N.T.T (Q.7, TP.HCM) phản ánh đến Báo Thanh Niên hóa đơn tiền điện của gia đình trong tháng 3 vọt lên 1.446 kWh, tương đương số tiền đóng gần 4,162 triệu đồng. Ông N.T.T băn khoăn: "Chưa bao giờ trả cho một hóa đơn tiền điện cao đến vậy, các tháng khác chỉ khoảng 2,5 triệu đồng. Chẳng hạn, cùng thời điểm này năm ngoái, tháng 3.2022, hóa đơn của gia đình chỉ 2,565 triệu đồng, thấp hơn gần 1,6 triệu đồng. Tháng 2 năm nay, nhu cầu sử dụng điện chưa tăng nhiều, không hiểu sao hóa đơn vọt lên thêm đến 1,6 triệu đồng như vậy?".
Theo lý giải của bộ phận chăm sóc khách hàng thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), trường hợp hóa đơn tiền điện của gia đình ông N.T.T cũng như nhiều hộ gia đình sử dụng điện tại Q.7 trong tháng 3 tăng do Công ty Điện lực Tân Thuận (thuộc EVNHCMC) điều chỉnh ngày ghi chỉ số điện năng sử dụng đối với một số điện kế có chức năng đọc chỉ số từ xa về ngày cuối tháng. Cụ thể, hóa đơn tiền điện của gia đình ông N.T.T trong tháng 3 có 47 ngày (thay vì 28 - 31 ngày như trước đây).
Trước đó, bà Nguyên An (Q.4, TP.HCM) cũng phản ánh đến Báo Thanh Niên việc hóa đơn tiền điện của gia đình bà tăng gần gấp đôi, từ 2,3 triệu đồng tháng trước vọt lên gần 4,5 triệu đồng trong tháng 3. Tương tự, tiền điện gia đình ông P.V.C (Q.Tân Phú, TP.HCM) từ gần 1 triệu đồng/tháng vọt lên 1,87 triệu đồng. Giải thích của các công ty điện lực tại TP.HCM đều có chung một lý do là điều chỉnh ngày ghi chỉ số điện năng sử dụng trong tháng 3. Thậm chí, các hộ nói trên số ngày ghi tăng đến 53 ngày. EVNHCMC giải thích mục đích của việc điều chỉnh này nhằm giúp khách hàng là hộ gia đình dễ nhớ ngày ghi chỉ số, ngày thanh toán tiền điện và thuận lợi cho khách hàng là doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán.
Tuy nhiên, do giá điện tính theo biểu lũy tiến, dùng càng nhiều thì càng đắt nên các hộ gia đình trên đều băn khoăn liệu họ có bị thiệt thòi khi ngành điện ghi gộp như trên? Ví dụ, số điện năng tiêu thụ của gia đình ông N.T.T trong tháng 3 nếu tính đến mốc ghi 30 ngày khoảng 819 kWh (tương đương 2,349 triệu đồng), thay vì 1.446 kWh trong hóa đơn với 47 ngày (4.162 triệu đồng). Ông N.T.T băn khoăn số điện năng trong hóa đơn tháng 3 tăng 627 kWh, liệu gia đình phải trả theo giá bậc 6 là 2.927 đồng/kWh không? Tương tự, hóa đơn của gia đình bà Nguyên An "lố" 723 kWh do cộng thêm 23 ngày, liệu gia đình có bị trả tiền điện "nhảy" lên bậc 6 cao nhất với đơn giá 2.927 đồng/kWh không?
"Hóa đơn tiền điện của chúng tôi tăng gần gấp đôi có phải do phải trả 627 kWh điện này theo giá của bậc 6 không?", ông N.T.T thắc mắc.
Nên thông tin minh bạch, công khai sớm
Theo Quyết định 648 của Bộ Công thương, giá điện sinh hoạt được tính theo 6 bậc, theo hướng tăng dần. Sử dụng càng nhiều giá điện càng tăng vì "nhảy" bậc. Cụ thể, đơn giá điện sinh hoạt bậc 1 (50 kWh) là 1.678 đồng/kWh, bậc 2 (50 kWh) 1.734 đồng/kWh, bậc 3 (100 kWh) 2.014 đồng/kWh, bậc 4 (100 kWh) 2.536 đồng/kWh, bậc 5 (100 kWh) 2.834 đồng/kWh và bậc 6 giá 2.927 đồng/kWh.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hóa đơn của các gia đình bị điều chỉnh ngày ghi chỉ số điện năng tháng 3 có sự thay đổi về số kWh điện tại mỗi bậc. Chẳng hạn, gia đình bà Nguyên An có chỉ số điện tại bậc 1 và 2 lên đến 95 kWh mỗi bậc, hóa đơn của gia đình ông N.T.T tại bậc 1 và bậc 2 là 86 kWh/bậc; từ bậc 3 đến bậc 5 tính mỗi bậc có 171 kWh, thay vì 100 kWh mỗi bậc theo quy định. Mặc dù có điều chỉnh về chỉ số điện tại mỗi bậc như vậy, tiền điện của mỗi hộ gia đình vẫn có chênh lệch. Chẳng hạn hóa đơn của một hộ gia đình tại Q.4 theo cách điều chỉnh ngày ghi mới đang cao hơn cách ghi cũ khoảng 32.000 đồng, ngược lại, hộ ông N.T.T tại quận 7 cách tính hóa đơn mới thấp hơn cách tính cũ 29.000 đồng.
Công ty Điện lực Tân Phú cho biết trước khi thực hiện việc thay đổi ngày ghi điện, công ty đã gửi thông báo đến các khách hàng có thay đổi ngày ghi. Đồng thời công ty cũng gửi văn bản đến UBND các quận, phường và khu phố, tổ dân phố để báo cáo và đề nghị hỗ trợ thông báo cho các hộ dân. Đặc biệt, tuy số ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn này cao hơn các tháng trước, nhưng khách hàng không bị ảnh hưởng quyền lợi do định mức sử dụng điện đã được tính tăng thêm tương ứng với số ngày sử dụng điện tăng thêm.
Vấn đề là hầu hết các hộ gia đình nhận hóa đơn tiền điện tháng 3 bị tăng do điều chỉnh ngày ghi chỉ số điện đều có chung phản ánh đến Báo Thanh Niên rằng họ hoàn toàn không nhận được thông báo sẽ thay đổi ngày ghi điện. Ông N.T.T cũng như nhiều người có điều chỉnh ngày ghi đều cho biết không nhận được thông báo trước, thế nên hoàn toàn bất ngờ trước hóa đơn tăng vọt.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, nêu quan điểm liên quan đến điện, nước, xăng dầu… là những dịch vụ ảnh hưởng lớn đến xã hội. Việc điều chỉnh số ngày ghi chỉ số điện năng và sự giải thích, cách làm của điện lực TP.HCM không có gì đáng bàn vì rất hợp lý và đây cũng là một trong những công đoạn trong chiến lược số hóa của đơn vị. Tuy nhiên, vấn đề là một dịch vụ có tác động nhanh và lớn đến xã hội, tại sao phía điện lực cho biết đã thông báo đến người dân, địa phương rồi mà nhà nào khi nhận hóa đơn cũng ngạc nhiên, thắc mắc? Địa phương thông báo cho các hộ thế nào, kênh thông báo đến người dân về sự thay đổi này đã hữu ích chưa?
"Tôi nghĩ phải xem lại việc này. Rồi việc điều chỉnh tính hóa đơn cân đong đo đếm tăng giảm chỉ số tại mỗi bậc đã hợp lý chưa, người dân đồng tình không? Chênh nhau vài ngàn đồng hay vài chục ngàn đồng cho một hóa đơn tiền điện có thể là chuyện đơn giản, nhưng nó thực sự không đơn giản khi có hàng vạn hóa đơn như vậy", ông Phú nêu ý kiến và nói thêm: "Hóa đơn tiền điện, giá điện trong bối cảnh hiện nay là cực kỳ nhạy cảm. Một chính sách nhỏ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn cho người dân đi chăng nữa, nhưng nếu không được công khai rõ ràng, minh bạch và tôn trọng nhau thì người dân vẫn thấy khó chịu".
Bình luận (0)