KHÔNG ĐỂ KHÓ KHĂN KHUẤT PHỤC
Tân binh Đỗ Thanh Hải (22 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết trong ngày đầu nhập ngũ (27.2), bạn đã có những lóng ngóng, vụng về khi trải nghiệm những điều mới mẻ tại trung đoàn. Nhưng đến nay (ngày 1.3), Hải đã quen với tiếng chuông báo thức lúc 5 giờ sáng cũng như nhuần nhuyễn thao tác gấp chăn, màn vuông vắn.
Tân binh Nguyễn Văn Quân (24 tuổi, ngụ Q.6) không phủ nhận trong ngày đầu "ăn cơm chiến sĩ" đã bị "ngợp" khi cuộc sống trong doanh trại khác hẳn ở nhà, với nhiều sự thay đổi, xáo trộn đáng kể, trong đó có việc 21 giờ 30 phải chấp hành quy định tắt đèn đi ngủ. Nhưng thật nhanh chóng, 11 chế độ trong ngày đã trở nên quen thuộc với người thanh niên này.
Nhiều chiến sĩ nghĩa vụ công an đang học tập và huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP.HCM cũng kể chỉ mới đây thôi họ còn thức khuya dậy muộn, nhưng khi sống trong môi trường quy củ, họ đã và đang hình thành thói quen, lối sống nền nếp và từng ngày được củng cố về thể lực, ý thức, kỷ luật…
Chúng tôi hỏi khi được "gò" vào khuôn khổ có cảm thấy vất vả không, tân binh Huỳnh Thanh Chiến (20 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cười lắc đầu. Chiến nói nếu ngại gian khổ thì dù chỉ phải thực hiện một việc nhỏ như quét sân, nhổ cỏ cũng sẽ than thở, nhưng Chiến đã quyết tâm không để khó khăn khuất phục nên dù đối mặt với khó khăn cỡ nào cũng sẽ nỗ lực vượt qua.
Chiến cũng bảo "lửa thử vàng, gian nan thử sức", đây là cơ hội để Chiến và đồng đội được chứng tỏ bản thân, trưởng thành, mạnh mẽ và bản lĩnh hơn.
CÓ NHỮNG ƯỚC MƠ…
Chuyện trò với PV Thanh Niên, nhiều tân binh bộc bạch tham gia nghĩa vụ quân sự là điều may mắn và cơ hội thử thách của thời tuổi trẻ. Ngoài việc được thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý để góp phần bảo vệ Tổ quốc thì họ còn có thể chạm đến ước mơ đeo cầu vai, quân hàm trên những bộ quân phục công an, quân đội.
Hồ Nhất Thống (23 tuổi) là cử nhân ngành công nghệ thực phẩm. Thống yêu màu áo của lực lượng công an nhân dân nên viết đơn tình nguyện nhập ngũ. "Tôi sẽ nỗ lực học tập, huấn luyện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để có thể cống hiến dài lâu cho ngành công an", Thống nói và chia sẻ thêm: "Hoàn thành 3 tháng quân trường, tôi sẽ dành thời gian ôn luyện kiến thức để sau 2 năm sẽ tham gia kỳ thi tuyển vào các trường công an".
Nhiều tân binh cũng thổ lộ vì say mê bộ cảnh phục màu xanh, đặc biệt là ngưỡng mộ hình ảnh người chiến sĩ công an "vì nước quên thân, vì dân phục vụ" nên nuôi ước mơ trở thành cảnh sát hình sự, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… Và 3 tháng tân binh sẽ khởi đầu cho hành trình chinh phục ước mơ ấy. Họ tự cam kết với bản thân sẽ nỗ lực hằng ngày để sau khi hết thời hạn phục vụ tại ngũ đủ điều kiện được xét chuyển thẳng sang chế độ phục vụ chuyên nghiệp.
Không ít người lính trẻ tuổi đang bắt đầu 3 tháng huấn luyện tân binh ở Trung đoàn Gia Định cũng bày tỏ ấn tượng với màu xanh áo lính nên có mục tiêu trở thành những quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan quân đội. Dẫu biết rằng có những thử thách đang đón đợi, nhưng họ vững tin với ước mơ của mình.
"Sau 3 ngày nhìn cán bộ, chỉ huy tại trung đoàn, đại đội mặc những bộ quân phục uy nghiêm, tôi tự nhủ sẽ phấn đấu để tương lai mình cũng có thể được phục vụ dài lâu trong quân đội", tân binh Nguyễn Văn Quân chia sẻ.
NHIỀU CƠ HỘI PHỤC VỤ LÂU DÀI
Theo trung tá Lê Quang Hòa, Phó chủ nhiệm chính trị Trung đoàn Gia Định, nếu các chiến sĩ có nguyện vọng cống hiến lâu dài cho quân đội và trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại trung đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng như đáp ứng đầy đủ những phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm sức khỏe… thì đơn vị luôn tạo mọi điều kiện để các chiến sĩ thi vào các trường quân đội.
Thiếu úy Nguyễn Quốc Duy, Bí thư Đoàn thanh niên Phòng Tổ chức cán bộ, Công an TP.HCM, cho biết anh từng là cử nhân chuyên ngành huấn luyện thể thao của Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM. Tốt nghiệp ra trường, anh viết đơn tình nguyện tham gia nghĩa vụ công an. Suốt giai đoạn thực hiện nghĩa vụ, anh dành thời gian học tập, ôn luyện nhằm theo đuổi ước mơ trở thành chiến sĩ công an làm việc tại Công an TP.HCM. Và anh đã chinh phục được ước mơ ấy.
Từ câu chuyện của bản thân, thiếu úy Nguyễn Quốc Duy chia sẻ kinh nghiệm: "Suốt thời gian thực hiện nghĩa vụ công an, thay vì suy nghĩ cố gắng hoàn thành đủ thời gian 2 năm rồi về, thì hãy phấn đấu ở lại để phục vụ lâu dài trong ngành. Trong quá trình học tập, huấn luyện, phải nỗ lực và quyết tâm. Có định hướng chuyển sang chế độ chuyên nghiệp thì nên dành thời gian tự ôn luyện kiến thức. Các cấp chỉ huy luôn tạo mọi điều kiện, quan tâm, giúp đỡ, cho phép chiến sĩ học tập sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đã có nhiều chiến sĩ nghĩa vụ sau khi hết hạn phục vụ tại ngũ đã được xét biên chế ngành công an, thi đậu vào các trường công an nhân dân…".
Cũng theo thiếu úy Nguyễn Quốc Duy, nếu trong suốt quá trình phục vụ tại ngũ chiến sĩ phấn đấu, rèn luyện tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thì được xem xét với một tỷ lệ nhất định để chuyển sang chế độ chuyên nghiệp và cử đi đào tạo tại các trường công an nhân dân hoặc các ngành nghề cần thiết để bổ sung biên chế cho lực lượng công an TP.HCM…
"Từng trực tiếp huấn luyện, quản lý chiến sĩ nghĩa vụ công an trong nhiều năm, một trong những niềm hạnh phúc của tôi là khi được nghe lời khoe "em đã được xét biên chế", "em đã thi đậu vào trường công an". Hầu như năm nào tôi cũng nhận được niềm hạnh phúc đó", thiếu úy Nguyễn Quốc Duy kể.
Thiếu tá Nguyễn Đình Quân, Phó giám đốc Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP.HCM, cho biết ông đánh giá cao năng lực, trình độ của các chiến sĩ khóa CS27 tham gia nghĩa vụ công an năm 2024. Trong 824 tân binh có 160 chiến sĩ đã tốt nghiệp đại học, 48 chiến sĩ đã tốt nghiệp cao đẳng và 15 chiến sĩ đã là đảng viên. Thiếu tá Quân cho rằng đây sẽ là những chiến sĩ nghĩa vụ có chất lượng cao, kỳ vọng sẽ đáp ứng yêu cầu công tác tại các đơn vị mới sau thời gian học tập, huấn luyện.
Bình luận (0)