Trong phiên cuối tuần, giá cà phê robusta trên sàn London tiếp tục giảm. Kỳ hạn tháng 9 giảm thêm 110 USD xuống 4.326 USD/tấn; kỳ hạn tháng 11 mất 91 USD còn 4.162 USD/tấn, kỳ hạn tháng 1.2025 giảm 95 USD về 4.019 USD/tấn.
Trong tuần, giá cà phê có 2 phiên tăng mạnh vào giữa tuần với tổng mức tăng lên tới 306 USD/tấn và 3 phiên giảm tổng cộng 207 USD/tấn; tính chung cả tuần vẫn tăng 99 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn New York giảm mạnh, kỳ hạn tháng 9 giảm 247,5 USD xuống 5.160 USD/tấn, kỳ hạn tháng 12 giảm 200 USD xuống 5.082 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3.2025 giảm 187 USD còn 5.003 USD/tấn.
Tại Brazil, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 7,7 USD xuống 6.512 USD/tấn, kỳ hạn tháng 12 giảm 12,1 USD còn 6.176 USD/tấn, kỳ hạn tháng 3.2025 giảm đến 247,5 USD còn 6.002 USD/tấn.
Giá cà phê Tây nguyên giảm 900 đồng/kg; tại Đắk Nông 124.200 đồng/kg, Đắk Lắk 123.300 đồng/kg, Gia Lai 123.200 đồng/kg, Kon Tum và Lâm Đồng 123.000 đồng/kg.
Trong tuần, giá cà phê biến động mạnh theo xu hướng chung của thị trường hàng hóa và tài chính quốc tế. Về cung cầu, trong khi nguồn cung từ các nước xuất khẩu về cơ bản vẫn duy trì mức thấp thì ngược lại, nhà nhập khẩu lớn là EU thông báo sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng. Đầu tháng này, EU gửi đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thông báo một số dự thảo kiểm soát chất lượng thực phẩm nhập khẩu. Theo đó, cà phê là đối tượng chịu ảnh hưởng khi nồng độ hoạt chất Zoxamide bị điều chỉnh từ 0,05ppm hiện tại xuống chỉ còn 0,01ppm. Bên cạnh đó, EU áp dụng thêm 2 hoạt chất mới với cà phê là Fenbuconazole và Penconazole, nồng độ áp dụng là 0,05ppm. Những quy định này sẽ khiến sản phẩm vào EU thêm khó khăn và góp phần gây biến động giá.
Bình luận (0)