‘Giá cà phê lên 120.000 đồng/kg cũng là bình thường’

11/04/2024 12:40 GMT+7

‘Giá cà phê hôm nay đã chạm mốc 110.000 đồng/kg. Nếu có tăng lên đến 120.000 đồng/kg cũng là điều bình thường’, ông Thái Như Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định.

Xuất khẩu cà phê giảm 1%

Ngày 11.4, VICOFA tổ chức hội nghị Ban chấp hành mở rộng với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cùng đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương cùng các tỉnh thành Tây nguyên để tìm giải pháp phát triển bền vững ngành cà phê.

Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 triệu tấn cà phê, sản lượng tồn kho gần cạn nên giá sẽ còn tăng

Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 triệu tấn cà phê, sản lượng tồn kho gần cạn nên giá sẽ còn tăng

MINH ĐĂNG

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA phát biểu: Niên vụ cà phê 2023/2024 đã đi được nửa chặng đường. Trong 6 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu được 956.000 tấn cà phê, giảm 1% về lượng nhưng giá trị đạt hơn 3 tỉ USD tăng đến hơn 40% so với cùng kỳ năm trước; nhờ giá cà phê tăng mạnh. Tuy nhiên, do giá cà phê biến động mạnh nên chuỗi sản xuất chế biến, thu mua cung ứng và kinh doanh cà phê xuất khẩu. Đặc biệt, đã xảy ra tình trạng các bên tham gia chuỗi không giao hàng theo đúng hợp đồng đã ký dù đã bàn bạc chia sẻ rủi ro.

Tình trạng giá cà phê tăng cao hiện nay có nhiều nguyên nhân nhưng cốt lõi là thiếu hụt nguồn cung đặc biệt từ nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới là Việt Nam. Ông Thái Như Hiệp, Phó chủ tịch VICOFA nhận định: Tình trạng này xuất hiện từ niên vụ 2021/2022 kéo dài đến nay và ngày càng trầm trọng. Thậm chí gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Với mức giá 90.000 đồng/kg, người dân bán rất nhiều. Giá cà phê đạt mốc lịch sử 100.000 đồng/kg là con số tuyệt vời. Nhưng do lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam hiện gần 1 triệu tấn, tồn kho còn lại không nhiều nên giá vẫn tiếp tục tăng. Hiện giá hôm qua là 105.000 - 107.000 đồng/kg và sáng nay có thể đã lên tới 110.000 đồng/kg. Nếu có tăng tới 120.000 đồng/kg cũng là điều bình thường", ông Hiệp nói.

Nỗi lo khi giá cà phê tăng mạnh 

Nguy cơ tăng nhập khẩu cà phê

Hội nghị có đại diện của hầu hết các nhà rang xay lớn cũng như các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đều cho rằng, giá cà phê tăng quá cao là áp lực lớn lên chuỗi cung ứng; đã rất vất vả để ứng phó với tình trạng chậm giao hàng cũng như hủy hợp đồng với một số nhà cung ứng nhỏ, thiếu uy tín. Tuy nhiên, với mức giá cà phê Việt Nam quá cao như hiện nay, có thể sắp tới sẽ nhập khẩu cà phê từ các nước khác về Việt Nam để rang xay, chế biến.

Đại diện lãnh đạo VICOFA xác nhận, thực tế trong năm 2023 Việt Nam đã phải nhập khẩu 200.000 tấn cà phê, có thể năm nay lượng nhập khẩu sẽ tăng.

Theo các doanh nghiệp và đại diện bộ ngành, địa phương; nguồn cung cà phê tiếp tục gặp thách thức trong niên vụ tới (2024/2025) vì diện tích được dự báo giảm từ 700.000 ha xuống còn 600.000 ha. Trong khi đó, tình trạng khô hạn do nắng nóng và thiếu nước tưới đang rất nghiêm trọng đặc biệt ở vùng Tây nguyên. Bên cạnh đó, dù giá cà phê tăng mạnh như sức cạnh tranh vẫn chưa bằng với một số loại cây trồng khác, đặc biệt là sầu riêng, nên khó khăn vẫn còn kéo dài.

Ông Hải khuyến nghị: "Để ngành cà phê phát triển bền vững, các bên liên quan chuỗi giá trị cần chia sẻ rủi ro, tăng cường hợp tác lẫn nhau. Cụ thể, các doanh nghiệp FDI cần hợp tác với VICOFA nhiều hơn để có thể làm việc trực tiếp với những doanh nghiệp xuất khẩu lớn, uy tín cao; tránh tình trạng thu mua từ các doanh nghiệp nhỏ lẻ thiếu uy tín. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam hạn chế tình trạng mua xa bán xa để hạn chế rủi ro. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng để có đủ vốn thu mua cà phê trong dân, vì giá cà phê liên tục tăng mạnh dễ gây thiếu hụt nguồn vốn để mua hàng".

Sơn La tiếp tục phát triển cà phê bền vững

Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết: Là địa phương có diện tích đất tự nhiên lớn thứ 3 cả nước, tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, bên cạnh đó tập trung đầu tư vào khâu chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp.

Đối với cà phê, hiện tỉnh có diện tích khoảng trên 20.000 ha. Định hướng tiếp tục mở rộng lên 25.000 ha trong năm 2025 và 30.000 ha vào năm 2030. Hiện tại, phần lớn diện tích cà phê của địa phương đều đáp ứng các yêu cầu về chống suy thoái rừng và mất rừng của EU. Địa phương vẫn còn dư địa để mở rộng diện tích trồng cà phê và tiếp tục quan điểm phát triển cà phê bền vững về tự nhiên và giá trị sản phẩm để mang lại thu nhập cao và bền vững cho người nông dân.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.