Giá tăng phi mã
Sáng 8.3, một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở Tây nguyên cho biết: Ngày hôm qua (7.3), giá cà phê tăng từng giờ. Thị trường thế giới đóng cửa với mức tăng lịch sử 129 USD/tấn còn giá nội địa đã tăng từ 1.500 - 1.700 đồng/kg, vượt qua mốc 90.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê tại Đắk Nông lập mốc mới 91.500 đồng/kg, Đắk Lắk 91.300 đồng/kg, Gia Lai 90.900 đồng/kg, còn Lâm Đồng thấp nhất cũng 90.600 đồng/kg.
Giá cà phê tăng thẳng đứng khiến nông dân tiếc ngẩn ngơ vì đã lỡ bán sớm trước đó. Anh Thông Nie, chủ vườn cà phê tại Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), ngậm ngùi than: "Vụ mùa cà phê thu hoạch từ cuối năm 2023, thông thường hầu hết nông dân đều tranh thủ bán sớm để tiêu dùng tết. Mấy năm nay cà phê đìu hiu, chưa bao giờ tăng quá 50.000 đồng/kg, năm rồi cà phê được giá, tôi vội bán 10 tấn ngay lúc giá 65.000 đồng/kg. Nếu biết trước giá tăng cao như thế này thì chắc là tôi không bán vội".
Giá cà phê đạt mốc lịch sử mới
Ông Trương Ngọc Lợi, chủ vườn cà phê tại H.Cư M'gar (Đắk Lắk), cũng tiếc rẻ: "Thời điểm đầu vụ thu hoạch, giá cà phê còn đang ở mức 60.000 đồng/kg, vườn nhà tôi không lớn lắm nên thu hoạch được bao nhiêu tôi bán ngay vì sợ rớt giá. Bây giờ nghe tin giá lên 90.000 đồng/kg, nhiều người dự báo sẽ còn tăng cho đến tháng 8, tôi tiếc đứt ruột nhưng không biết làm sao vì hiện nay cà phê trong dân còn rất ít, ít ai còn trữ lại đến giờ này".
Một doanh nghiệp cà phê ở Đắk Nông cho biết: "Trong ngày hôm qua, nhiều người tranh thủ bán chốt lời. Tuy nhiên, sản lượng không còn nhiều vì không ai nghĩ giá sẽ đạt tới mức này. Phần lớn nông dân và người kinh doanh nhỏ đã bán hết khi giá đạt mốc 80.000 đồng/kg. Để mua được hàng, nhiều doanh nghiệp liên tục tăng giá nhưng nguồn cung rất hạn chế".
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho thấy tháng 2 vừa qua, xuất khẩu cà phê của VN đạt 200.000 tấn, trị giá 655 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cà phê giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng mạnh 50,3% về giá trị.
Từ đầu năm đến nay VN đã xuất khẩu khoảng 438.000 tấn cà phê, thu về xấp xỉ 1,5 tỉ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, trong tháng 2, giá xuất khẩu bình quân cà phê của VN ước đạt mức 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng trước đó và tăng mạnh 50,6% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cà phê lập kỷ lục lịch sử khi vượt qua mốc 1 tỉ USD chỉ sau 2 tháng.
Nhu cầu gia tăng
Giá cà phê nhân xô tăng cao khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu lẫn chế biến cà phê đau đầu tìm nguyên liệu. Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty Liên kết thương mại Toàn Cầu - đơn vị sở hữu thương hiệu cà phê nông sản Meet More, chia sẻ: "Mấy hôm nay tôi thật sự đau đầu vì giá nguyên liệu cà phê tăng cao. Trước đây khoảng 70.000 đồng/kg nay đã tăng lên trên 91.000 đồng/kg. Nguồn cà phê hiện nay đang nằm trong tay các đại lý, và giá nội địa thì phụ thuộc vào sàn giao dịch quốc tế. Những nhà chế biến sản phẩm cà phê như Meet More thì không thể tăng giá sản phẩm tương tự như vậy được. Thậm chí những hợp đồng mới ký xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng chỉ được điều chỉnh giá ở một tỷ lệ nhất định. Ở thời điểm này chúng tôi không biết làm cách nào cho toàn diện, chỉ có thể cắn răng chịu đựng, và cầu mong cho hòa vốn là may rồi".
Thị trường cà phê rang xay nội địa cũng bị ảnh hưởng. Giá cà phê bột nguyên chất pha phin hiện đã tăng lên mức 200.000 - 250.000 đồng/kg tùy loại, thậm chí nhiều thương hiệu có thể bán đến 300.000 đồng/kg. Đại diện một đơn vị kinh doanh cà phê đóng gói cho biết: "Tôi có hợp đồng thu mua nguyên liệu cà phê với một số hộ nông dân ở Gia Lai, nhưng hiện nay giá cà phê đang tăng cao, những hộ này cũng yêu cầu phải tăng giá tương ứng nếu không họ sẽ bán cho đại lý xuất khẩu để có lợi nhuận cao hơn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giá sản phẩm của chúng tôi khi nguồn hàng dự trữ không còn nhiều".
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực cà phê, phân tích: "Có nhiều yếu tố giúp cho giá nguyên liệu trong nước tăng cao, và đặc biệt mới đây khi VND giảm giá so với USD, chỉ riêng yếu tố này đã giúp cho giá mua bán trong nước tăng nhanh. Nhiều người cứ ngỡ rằng giá tăng do thế giới thiếu cà phê. Thiếu là đúng rồi nhưng không chỉ thiếu mà giá tăng còn do nhiều tác động khác như trục trặc chuỗi cung ứng, cước tàu tăng, giá nguyên liệu dùng cho sản xuất tăng...thì chắc chắn giá cà phê nguyên liệu cũng phải cao. Nhưng một yếu tố khác cũng góp phần điều chỉnh giá quan trọng chính là nhu cầu tiêu thụ nội địa tăng và nhất là người tiêu dùng cà phê trong nước đã bắt đầu chấp nhận trả ly cà phê giá cao hơn để có thể uống cà phê sạch, ngon, thơm, bổ khỏe...".
Theo ông Nguyễn Quang Bình, ngay năm nay sẽ được đánh dấu là một bước chuyển mình của ngành cà phê VN, mà công lao lớn nhất không phải do sàn nước ngoài mà chính là thị trường cà phê chất lượng cao đã giúp nhà vườn được trả công xứng đáng. "Dĩ nhiên, các nhà rang xay và chuỗi quán cà phê trong nước than thở nhiều vì không tiền nào mà chịu nổi giá lên kiểu này, còn nhiều nhà vườn thấy giá xuất khẩu cao thì "quay mặt làm ngơ" với các nhà rang xay trong nước. Đã đến lúc hai bên phải ngồi nhìn lại để hỗ trợ nhau mới tồn tại lâu dài", ông Bình nhận định.
Cà phê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ ba trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ và thủy sản. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của cà phê cũng đang áp sát mặt hàng thủy sản với chênh lệch không đáng kể. Với tình hình này, nhiều chuyên gia dự báo xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 4,5 - 5 tỉ USD trong năm 2024. Đây sẽ là năm đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu cà phê của VN.
Bình luận (0)