Giá cà phê tiếp tục phá kỷ lục

23/01/2024 08:55 GMT+7

Giá cà phê trong nước và thế giới tiếp tục tăng và thiết lập các cột mốc mới chưa từng có trong lịch sử của ngành.

Trong liên tiếp 2 ngày đầu tuần, giá cà phê nhân của Việt Nam liên tục tăng. Nếu ngày hôm qua, giá tăng bình quân 500 đồng/kg thì đến hôm nay tăng từ 1.200 - 1.300 đồng/kg. Theo cập nhật mới nhất từ chuyên trang Giá cà phê, Lâm Đồng là địa phương có biên độ tăng cao nhất 1.300 đồng/kg, lên 73.500 đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá cà phê cao nhất hiện thuộc về Đắk LắkĐắk Nông cùng mức 74.100 đồng/kg. Đây là mức giá cao kỷ lục với mặt hàng cà phê nhân.

Giá cà phê tiếp tục phá kỷ lục- Ảnh 1.

Giá cà phê tiếp tục thiết lập các cột mốc lịch sử

M.Đ

Giá cà phê nội địa được kích tăng vì tối qua (giờ Việt Nam) thị trường thế giới mở cửa phiên giao dịch đầu tuần tăng mạnh. Cụ thể, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 3.2024 được ghi nhận tại mức 3.220 USD/tấn sau khi tăng 2,94%, tương đương tăng 92 USD/tấn. Đây cũng là mức giá cao nhất từng được ghi nhận đối với hạt cà phê robusta trên thị trường thế giới.

Giá cà phê arabica giao tháng 3.2024 tại New York ở mức 192,25 US cent/pound sau khi tăng 3,83%, tương đương mức 7,1 US cent/pound.

Giá cà phê vượt mốc kỷ lục

Ở thời điểm hiện tại, nhiều địa phương đã gần như hoàn tất việc thu hoạch cà phê của niên vụ 2023 - 2024. Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (VICOFA) dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 10.2023 - 9.2024) giảm 10% so với niên vụ trước, chỉ còn khoảng 1,6 triệu tấn, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, diện tích trồng xen tăng, người nông dân đầu tư vào các cây trồng có hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng, cây ăn trái. Cùng với giảm sản lượng, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới cũng ở mức thấp nhất qua các năm.

Theo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu cà phê Việt Nam, giá cà phê tăng ngoài yếu tố cung cầu còn do tác động của tình trạng căng thẳng trên Biển Đỏ. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không dám ký các hợp đồng mới vì những hợp đồng cũ vẫn chưa giao được hàng do cước tàu biển liên tục tăng vọt, thậm chí xuất hiện tình trạng thiếu container hàng cục bộ, nhất là container lạnh. Lãnh đạo một số doanh nghiệp nhận định: "Chừng nào căng thẳng trên Biển Đỏ chưa được giải quyết, giá cả hàng hóa nói chung vẫn chưa thể hạ nhiệt".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.