Tiêm vắc xin cúm là biện pháp phòng ngừa hiệu quả để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu... Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết, vắc xin cúm là loại vắc xin phòng ngừa sự xâm nhập và tấn công của các chủng virus cúm. Tiêm ngừa vắc xin cúm hàng năm giúp trẻ em và người lớn giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện và tử vong do cúm.
Vắc xin cúm bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra kháng thể đặc hiệu chống lại virus cúm, các kháng thể này sẽ có sau khi chủng ngừa khoảng 2 - 3 tuần. Các kháng thể đặc hiệu này sẽ giúp tiêu diệt virus khi cơ thể tiếp xúc với mầm bệnh cúm nhằm giúp giảm khả năng nhiễm bệnh và giảm mức độ nặng của bệnh nếu bị mắc bệnh.

Tiêm vắc xin cúm là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả
Ảnh: P.L
Nên tiêm phòng cúm vào thời điểm nào trong năm?
Hiện chưa có thuốc điều trị hữu hiệu bệnh cúm. Nếu tỷ lệ tiêm ngừa vắc xin không duy trì liên tục ở ngưỡng cao, cúm mùa vẫn sẽ gây ra những ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý và kinh tế nặng nề trên toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia thuộc khu vực nhiệt đới nên virus cúm, lưu hành cả chủng virus cúm nam bán cầu và cúm bắc bán cầu và có thể xuất hiện quanh năm. Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà dịch tễ học, cúm mùa thường đạt đỉnh vào tháng 3-4 và 9-10 hằng năm, có xu hướng gia tăng vào mùa đông - xuân. Nên tiêm vắc xin cúm càng sớm càng tốt để bảo vệ tốt nhất.
Những ai nên tiêm phòng vắc xin cúm?
Bác sĩ Chính cho biết, vắc xin cúm không chỉ quan trọng với trẻ em, mà còn cần thiết cho cả người lớn. Tiêm vắc xin ngừa cúm là một giải pháp toàn diện xây dựng lá chắn thép để bảo vệ sức khỏe.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo, ai cũng có thể mắc cúm mùa, không phân biệt độ tuổi, giới tính… đặc biệt nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp biến chứng nhất, được khuyến khích cần tiêm phòng cúm mùa càng sớm càng tốt gồm:
- Người trên 65 tuổi.
- Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai.
- Trẻ em, đặc biệt ở những trẻ dưới 5 tuổi.
- Người có các bệnh lý mãn tính: Hen suyễn, tiểu đường, tim mạch, ung thư,…
- Người nhiễm HIV/AIDS.
- Người có tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao nhiễm cúm.
Lịch tiêm phòng cúm như thế nào?
Theo bác sĩ Chính, hiện Việt Nam đã có vắc xin cúm tứ giá thế hệ mới phòng 4 chủng virus phổ biến gồm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria, dành cho trẻ em và người lớn. Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi tiêm hai mũi cách nhau tối thiểu 4 tuần. Trẻ từ 9 tuổi trở lên và người lớn tiêm một mũi và nhắc lại 1 mũi hằng năm. Phụ nữ có thể tiêm cúm trong thai kỳ, tốt nhất vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Ngoài tiêm vắc xin cúm, trẻ em và người lớn nên tiêm thêm các mũi ngừa phế cầu gồm phế cầu 13 và phế cầu 23 để tránh bội nhiễm khi mắc cúm.
Bệnh cúm dễ lây lan qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Virus này cũng tồn tại 24 - 48 giờ trên các bề mặt đồ dùng, ly nước uống, bàn chải đánh răng...
Để phòng bệnh cúm, người dân cần tránh tiếp xúc với người nhiễm và nghi nhiễm bằng các biện pháp như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng khi ho, hắt hơi và thường xuyên vệ sinh cá nhân, lau chùi nơi ở, lớp học, trường học, phòng làm việc.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện ở Việt Nam có các loại vắc xin phòng cúm như: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc), Ivacflu-S (Việt Nam)..., giá dao động từ 260.000 - 360.000 đồng. VNVC hiện có 2 loại vắc xin cúm tứ giá thế hệ mới của Pháp và Hà Lan, mỗi liều có giá 356.000 đồng.
Hiện, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Hệ thống tiêm chủng VNVC, Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Nhân dân Gia Định... có thực hiện các dịch vụ tiêm chủng, trong đó có cúm mùa.
Bình luận (0)