Giá các mặt hàng thiết yếu không biến động trong dịp Tết

22/02/2015 22:54 GMT+7

(TNO) Theo tin từ Bộ Công thương ngày 22.2, Bộ này vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình thị trường Tết . Bộ Công thương khẳng định, trong các ngày 30 và 1, 2… Tết, thị trường không sôi động như những ngày trước Tết, do người dân đã mua sắm hàng hoá dự trữ tương đối đầy đủ phục vụ các ngày nghỉ Tết.

(TNO) Theo tin từ Bộ Công thương ngày 22.2, Bộ này vừa có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình thị trường 3 ngày Tết. Bộ Công thương khẳng định, trong các ngày 30, mùng 1, 2 Tết, thị trường không sôi động như những ngày trước Tết, do người dân đã mua sắm hàng hoá dự trữ tương đối đầy đủ phục vụ các ngày nghỉ Tết.

Một số siêu thị đã mở cửa trở lại từ mùng 2 Tết - Ảnh: Quang Thuần

Theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường những ngày cận Tết khá sôi động. Năm nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, tại các đô thị, các mặt hàng Tết, nhất là hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu... được trao đổi mua bán qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng như điện thoại, internet, giao hàng tận nhà... đã phục vụ khá tốt nhu cầu của người dân.

‘‘Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, sức mua vẫn có xu hướng tập trung khá lớn do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng. Ngoài ra, tại các điểm bán hoa cây cảnh Tết do các địa phương tổ chức, hàng hóa cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được bày bán khá sớm nhưng sức mua chỉ thực sự mạnh từ ngày 27 - 28 Tết”, Bộ Công thương đánh giá.

Đáng chú ý, theo thông tin từ Bộ Công thương, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đã không nghỉ Tết (siêu thị Aeon, Shop&Go, B’Smart, hệ thống các cửa hàng tiện lợi của một số thương hiệu lớn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh), cùng với việc thời tiết những ngày cận Tết có dấu hiệu ấm lên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.

“Tại một số thành phố và điểm lễ hội đầu năm, cửa hàng ăn uống đã mở cửa phục vụ du khách thập phương tham gia lễ hội đầu xuân, giá cả có phần cao hơn so với những ngày thường trước Tết, tuy nhiên không có sự đột biến”, Bộ Công thương nhìn nhận.

Về giá cả cụ thể, theo số liệu tổng hợp của Bộ Công thương, các mặt hàng nhu yếu phẩm không có biến động về giá, vì người dân đã chuẩn bị và dự trữ đủ từ trước Tết nên trong 3 ngày Tết (30, mùng 1 và mùng 2 Tết) giá các mặt hàng vẫn ổn định như trước Tết: Mặt hàng lương thực: gạo tẻ từ 13.000 - 13.500đ/kg (phía Bắc); từ 10.500 - 12.000đ/kg (phía Nam); gạo chất lượng cao (tám Thái, tám Hải Hậu) từ 16.000 - 21.000đ/kg; gạo nếp từ 21.000 - 30.000đ/kg (tùy loại). Mặt hàng thực phẩm: gà công nghiệp (làm sẵn) 55.000 - 60.000đ/kg; thịt bò 280.000đ - 300.000đ/kg. Thực phẩm chế biến: Giá giò lụa phổ biến 120.000 - 150.000đ/kg; giò bò 250.000 - 280.000đ/kg; lạp xưởng vissan loại I giá 185.000đ/kg. So với Tết năm ngoái các mặt hàng như giò tăng khoảng 5 - 10%. Các mặt hàng khác giá tương đương năm ngoái. Mặt hàng công nghệ thực phẩm: đường kính: 17.000 - 19.000đ/kg; dầu ăn: 43.000 - 45.000đ/lít; bia lon Heniken từ 350.000 - 370.000đ/thùng; Cocacola 170.000 - 180.000đ/thùng; bia lon Hà Nội giá 200.000 - 210.000đ/thùng; bia lon Saigon giá 230.000 - 260.000đ/thùng.

Về giá cả thời gian tới, theo dự báo của Bộ Công thương, do Tết năm nay thời tiết thuận lợi, nguồn cung thực phẩm ổn định nên nhu yếu phẩm phục vụ người dân sau Tết không có biến động nhiều. “Tuy nhiên, do không dự báo được chính xác lượng khách tham gia Lễ hội đầu xuân nên có thể sẽ xảy ra tình trạng biến động về giá đối với dịch vụ ăn uống tại điểm Lễ hội tập trung quá đông khách thập phương tham gia Lễ hội”, Bộ này cảnh báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.