Giá cao, đấu thầu vàng vẫn ế

09/05/2024 06:16 GMT+7

Dù đã điều chỉnh lượng đặt thầu vàng tối thiểu chỉ còn một nửa so với trước, phiên đấu thầu vàng hôm qua vẫn ế. Chỉ có giá vàng như thường lệ, lại tăng cao vì giá trúng thầu cao.

Kết thúc phiên đấu thầu, giá vàng lên đỉnh

Kết quả đấu thầu vàng ngày 8.5 có 3 đơn vị (gồm 2 ngân hàng và 1 công ty vàng) đã trúng thầu 3.400 lượng vàng, tương đương 20% trong tổng lượng vàng mang ra đấu thầu, giá trúng thầu là 86,05 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng SJC ở mức đỉnh

Giá vàng miếng SJC ở mức đỉnh

Ngọc Thắng

Trong thông báo trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đấu thầu 16.800 lượng vàng, khối lượng đặt thầu tối thiểu được điều chỉnh giảm từ 1.400 lượng xuống còn 700 lượng, khối lượng đấu thầu cao nhất là 2.000 lượng. Như vậy, đây là phiên đấu thầu thứ 2 trong 5 phiên được tổ chức có khối lượng trúng thầu ở mức 3.400 lượng, tương ứng 20% khối lượng đem ra đấu thầu. 13.400 lượng vàng còn lại bị ế.

Lý do ế cũng khá rõ khi giá đấu thầu mà NHNN đưa ra là 86,05 triệu đồng/lượng cao hơn giá mua vào của các đơn vị kinh doanh khoảng 800.000 đồng/lượng. Thế nên, ngay sau khi kết thúc đấu thầu, giá vàng trên thị trường đã tăng lại lên mức cao kỷ lục. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 85,2 triệu đồng, bán ra 87,5 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 85,55 triệu đồng, bán ra 87,5 triệu đồng. Công ty Phú Quý mua vào 85,5 triệu đồng, bán ra 87,5 triệu đồng…

Vàng trong nước tăng cao bất chấp giá vàng thế giới chiều 8.5 giảm mạnh 13 USD/ounce, xuống còn 2.304 USD/ounce. Điều này khiến cho mức đắt đỏ của vàng trong nước so với thế giới gia tăng, lên 16,6 triệu đồng/lượng thay vì 16 - 16,3 triệu đồng vào đầu ngày. Riêng vàng nhẫn giảm nhẹ từ 100.000 - 200.000 đồng mỗi lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 73,82 triệu đồng, bán ra 75,32 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 73,95 triệu đồng, bán ra 75,35 triệu đồng. Công ty SJC mua vào 73,3 triệu đồng, bán ra 75,1 triệu đồng… Cùng chất lượng vàng 4 số 9 nhưng vàng miếng SJC có giá cao hơn nhẫn lên đến 12,4 triệu đồng/lượng.

Nhìn lại các phiên đấu thầu có thể thấy, giá gọi thầu và trúng thầu ngày càng cao. Ví dụ, trong phiên đấu thầu ngày 23.4 trước đó, 2 đơn vị trúng 3.400 lượng vàng với mức giá 81,32 - 81,33 triệu đồng/lượng. Lúc này, giá vàng thế giới ở mức 2.332 USD/ounce. Thế nhưng, trong phiên đấu thầu hôm qua, ngày 8.5, giá thế giới chỉ còn 2.317 USD/ounce thì giá chào thầu đưa ra lên đến 86,05 triệu đồng/lượng và đây cũng là giá trúng thầu. Giá trúng thầu sau cao hơn trước hơn 4,7 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới thì giảm tới 15 USD/ounce.

Một chuyên gia đặt vấn đề: Không rõ NHNN dựa trên cơ sở nào đưa ra mức giá chào thầu 86,05 triệu đồng/lượng, cao hơn kim loại quý thế giới khoảng 14,8 triệu đồng/lượng. Trong khi NHNN là đơn vị được phép nhập khẩu vàng, sản xuất vàng miếng nên mức giá chênh lệch là rất lớn và vì thế sẽ khó có thể kéo giá trong và ngoài nước lại gần hơn.

Đó là chưa kể qua 5 phiên đấu thầu nhưng khối lượng trúng thầu tổng 2 phiên chỉ ở mức 6.800 lượng, rất nhỏ nên lượng này khó có thể kéo giá đi xuống như kỳ vọng.

Khó hiểu với giá đấu thầu vàng

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, nhận xét: Những ngày trước đó, giá vàng trên thị trường tăng một cách điên loạn khi cung vàng khan hiếm. Tới phiên hôm qua, dù giá trúng thầu ở mức cao nhưng tạm thời làm cho tốc độ tăng giá mạnh của vàng trong nước được kìm lại khi xuất hiện lượng cung vàng ra thị trường.

"Thay vì chờ nguồn hàng trúng thầu về thì họ có thể bán vàng trước đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm cơn sốt. Nhưng với khối lượng trúng thầu 20% khối lượng đem đấu chỉ có thể kìm được đà tăng giá chứ chưa thể giảm giá vàng. Thị trường còn phải chờ những phiên đấu thầu sau thành công và khối lượng phải lớn hơn mới có thể kéo giá đi xuống", ông Trọng giải thích.

Theo ông Trọng, việc điều chỉnh giảm khối lượng tối thiểu xuống còn một nửa đã giúp các thành viên đỡ áp lực hơn khi tham gia nhưng giá đấu thầu còn quá cao nên mức độ rủi ro còn lớn nếu trúng thấu. Quan trọng bây giờ là lộ trình kéo giá như thế nào và sau đó chiến lược giá cho từng phiên. Ví dụ mục tiêu kéo giá vàng trong tháng 5, giá SJC cao hơn thế giới về 10 - 11 triệu đồng/lượng thì NHNN phải tính toán mức giá đấu thầu từng phiên sẽ niêm yết là bao nhiêu để số lượng đơn vị tham gia được nhiều hơn, không gây xáo trộn thị trường nhưng đạt được mục tiêu. Đơn vị trúng thầu khi mua vào có đủ thời gian để cung lượng trúng thầu ra thị trường với mức lợi nhuận tạm ổn. Còn hiện nay có quá nhiều thách thức và rủi ro cho thành viên tham gia đấu thầu.

"Khi có mục tiêu kéo giá trong từng thời gian cụ thể thì kế hoạch đấu thầu đưa ra sẽ phù hợp hơn. Cùng với mục tiêu đấu thầu chưa cụ thể, cộng thêm tâm lý sợ thành viên đấu thầu lãi nhiều nên mức giá đưa ra còn cao. Vì nếu mức giá đưa ra là tốt thì sao khối lượng trúng thầu lại không cao hơn", ông Trọng đặt vấn đề.

TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng giá đấu thầu cao có 2 tác động ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường. Đối với nhà đầu tư khi nguồn cung trên thị trường không tăng lên thì giá sẽ tăng. Còn đối với bán vàng, trong khi lực mua vàng trên thị trường còn cao thì cũng không việc gì phải bán vàng. Chính vì vậy mà hủy đấu thầu hay khối lượng thấp sẽ dễ dẫn đến giá tăng sau đó. Yếu tố tâm lý tác động lên thị trường.

Để phiên đấu thầu thành công, có thể lấy giá đấu thầu là giá thị trường tính bình quân giữa giá mua và bán của 2 ngày gần nhất trước đó. Việc đưa ra giá đấu thầu phải có cơ sở chứ không thể đưa ra mức thấp hơn thị trường vì như vậy sẽ gây thất thoát nhà nước. Nhưng đưa giá cao thì lại không kéo được giá xuống. Phải có lộ trình dần dần.

TS Đinh Trọng Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.