Giá cao, doanh nghiệp chăn nuôi heo lời lớn

23/03/2020 07:35 GMT+7

Theo ông Đoàn Ngọc Thơ, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đang chậm lại do ảnh hưởng từ dịch cúm Covid -19 lẽ ra giá heo hơi giảm mới đúng, kể cả xuống 60.000 - 70.000 đồng/kg thì nhà chăn nuôi vẫn quá lãi.

Trong khi xăng giảm, điện không tăng đến hết quý 2, ngân hàng giảm lãi suất, Chính phủ lo giảm, giãn, hoãn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì thịt heo vẫn "neo" ở mức rất cao.

Mỗi con heo lời 3 triệu đồng

Giá heo hơi trên thị trường tự do tại 3 miền hôm qua (22.3) vẫn tiếp tục “ổn định” ở mức cao, phổ biến từ 75.000 - 85.000 đồng/kg. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá thịt heo đã có xu hướng giảm tuần thứ 3 của tháng 3, nhưng vẫn ở mức rất cao so với trước khi có dịch tả heo châu Phi.
Quan trọng là người dân phải bảo đảm ăn được sản phẩm thịt sạch, nguồn gốc rõ ràng với giá hợp lý. Sắp tới, thuế nhập khẩu thịt heo từ châu Âu về 0%, các nhà nhập khẩu sẽ tăng nhập, lúc đó, giá heo hơi trong nước khó có cơ hội làm giá nữa
Ông Đoàn Ngọc Thơ, nhà nhập khẩu thịt các loại tại TP.HCM
Các lò giết mổ có quy mô nhỏ, không ký hợp đồng mua trực tiếp số lượng lớn từ các công ty chăn nuôi lớn để giết mổ tập trung nên giá heo hơi trên thị trường tự do luôn cao. Các thương lái phải mua qua các đơn vị mua buôn, giết mổ và phân phối đến chợ bán buôn và bán lẻ...
Kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) mới đây đã thông tin, dù ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, chi phí nuôi heo cao hơn nhiều, nhưng các công ty chăn nuôi vẫn giữ được mức lãi từ 2 - 3 triệu đồng trên mỗi con với giá bán heo hơi hiện nay. Cụ thể, bình quân giá thành chăn nuôi heo hiện khoảng 45.000 đồng/kg (trước đây, khi chưa bị dịch tả heo châu Phi, giá thành chỉ khoảng 35.000 đồng/kg), bán ra với giá 72.000 đồng/kg, doanh nghiệp lãi 2 triệu đồng/con 100 kg; bán giá 74.000 - 75.000 đồng/kg, doanh nghiệp sẽ lãi 2,5 - 3 triệu đồng/con 100 kg.
Hiện một số nhà chăn nuôi cũng như giết mổ và phân phối đang nắm thị phần lớn như CP Việt Nam, Emivest, Japfa, CJ, Dabaco, Vissan, Masan hoàn toàn chưa có động thái giảm giá heo hơi mà vẫn neo ở mức rất cao. Một thành viên Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, sở dĩ giá heo hơi trên thị trường tự do cao là do đang “nương” theo giá heo các “ông lớn” chăn nuôi.
“Khi nào các “ông” này giảm, tự khắc thị trường phải giảm theo vì chính mấy “ổng” nắm thị phần chi phối. Nhớ thời heo bán giá 50.000 đồng/kg là trong mơ của bao nhà chăn nuôi, lúc đó giá thành cũng đã 35.000 đồng/kg. Nay họ neo ở mức 75.000 đồng/kg heo hơi thì lời lớn”, vị này nhận xét.

Nhập khẩu để giảm nhiệt giá thịt heo

Thực tế, việc khuyến cáo các nhà chăn nuôi lớn sớm giảm giá heo hơi được Bộ NN-PTNT đưa ra từ tháng 2, yêu cầu các công ty chăn nuôi giảm từ 75.000 đồng/kg xuống 70.000 đồng/kg. Tuần trước, tại cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng cho rằng giá heo hơi phải xuống 60.000 đồng/kg mới đúng giá trị thực.
Thủ tướng cũng nói thẳng, Chính phủ chọn giải pháp nhập khẩu thịt heo để điều tiết thị trường. Trong tuần qua, Bộ NN-PTNT cũng đã làm việc với hai tập đoàn lớn là Miratorg (Nga) và Masan (Việt Nam) để thúc đẩy việc nhập khẩu và tiêu thụ thịt heo. Theo đó, Miratorg dự kiến đưa vào Việt Nam 50.000 tấn thịt heo mỗi năm và tăng dần vào các năm sau.
Tính đến ngày 15.3, cả nước đã nhập khẩu 25.291 tấn thịt heo các loại, tăng 205% so cùng kỳ năm ngoái. Hiện giá thịt heo nhập dao động từ 2,5 - 4 USD/kg, cộng thêm các chi phí vận chuyển, kho bãi, lãi... giá thành bán ra thị trường, theo ông Đoàn Ngọc Thơ - nhà nhập khẩu thịt các loại tại TP.HCM là vẫn cạnh tranh hơn hẳn giá thịt trong nước. Chẳng hạn, hiện giá sườn non trong nước 200.000 đồng/kg, trong siêu thị bán 230.000 đồng/kg, trong khi sườn non nguyên tảng của Canada do nhà nhập khẩu La Maison bán lẻ chỉ 165.000 đồng/kg. Tương tự, thịt ba rọi trong nước 180.000 đồng/kg, ba rọi nhập từ Ba Lan 165.000 đồng/kg...
Ông Đoàn Ngọc Thơ nói thẳng, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ đang chậm lại hẳn do ảnh hưởng từ dịch cúm Covid-19 lẽ ra phải đẩy giá heo hơi giảm mới đúng. Kể cả xuống 60.000 - 70.000 đồng/kg thì nhà chăn nuôi vẫn quá lãi. Việc bán ngang bằng giá cận tết là không hợp lý.
Dịch cúm Covid-19 kéo dài, nhà kinh doanh cần chia sẻ, đồng hành với người tiêu dùng để đến khi giá thịt heo tăng, người tiêu dùng không quay lưng với mình”, ông Thơ nêu quan điểm và cảnh báo, Chính phủ có nói không giảm giá sẽ nhập thịt heo đông lạnh bù cho thị trường.
Nếu tăng nhập, chăn nuôi trong nước phải gồng lên cạnh tranh vất vả bởi giá thịt nhập luôn rẻ hơn giá thịt trong nước rất nhiều. “Một lúc nào đó, chính sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu giúp điều tiết giá thịt heo trong nước về đúng giá trị thực của nó. Quan trọng là người dân phải bảo đảm ăn được sản phẩm thịt sạch, nguồn gốc rõ ràng với giá hợp lý. Sắp tới, thuế nhập khẩu thịt heo từ châu Âu về 0%, các nhà nhập khẩu sẽ tăng nhập, lúc đó, giá heo hơi trong nước khó có cơ hội làm giá nữa”, ông Thơ nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phân tích: “Trong kinh doanh phải tính giá mua, trong sản xuất tính giá thành. Giá thành sản xuất heo trong nước hiện rất rõ ràng, vậy làm phép tính đơn giản, cộng thêm các chi phí thị trường, lợi nhuận, giá heo hơi cao gấp đôi giá thành sản xuất là không thể chấp nhận được. Tôi không đồng ý hoặc thấy chưa cần thiết đưa giá thịt vào quản lý theo kiểu bình ổn, kiểm soát giá… nhưng biện pháp kinh tế là quản lý dựa trên giá thành và giá bán ra, đánh vào thuế, chắc chắn các nhà sản xuất không tự tung tự tác được”.
TS Ngô Trí Long ủng hộ giải pháp: “Việc cho nhập khẩu mạnh và gấp thịt heo đông lạnh có nguồn gốc tốt là điều cần thiết cho thị trường. Đẩy mạnh yếu tố cạnh tranh, không “nâng đỡ” bằng việc hạn chế nhập khẩu để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.