Giá là cản trở lớn nhất
Theo ông T.L, lãnh đạo một công ty lữ hành tại TP.HCM: Mùa lễ 30.4 năm nay được nghỉ nhiều ngày nên các gia đình đều đã "chốt" tour từ rất sớm. Ðến nay, công ty của ông đã gần như "khóa sổ" hầu hết các đường tour, trong đó tỷ lệ khách chọn du lịch trong nước chiếm 39%, còn lại 61% là tour nước ngoài. Nguyên nhân là chi phí tour trong nước tăng khá cao, biên độ từ 40% trở lên, chủ yếu do giá vé máy bay tăng gần gấp đôi. Thế nên dù các khách sạn không tăng giá, điểm đến cũng không tăng giá nhưng vé máy bay tăng quá cao đẩy giá tour nội địa tăng mạnh.
"Nếu xét về tính hấp dẫn, các điểm đến như Thái Lan, Indonesia… chưa chắc đã bằng VN. Giai đoạn phục hồi, hầu hết các địa phương đều đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng. Quảng Bình, Quảng Trị, các tỉnh phía bắc Trung bộ từ vùng trũng du lịch đang bắt đầu có nhiều thay đổi tích cực, nhiều sáng tạo về sản phẩm. Lãnh đạo các tỉnh, thành cũng nhận thức rất rõ việc tự thân vận động thu hút du khách nên đã chủ động tới trực tiếp các thị trường nguồn để giới thiệu tài nguyên. DN lữ hành sau dịch cũng dồn lực xây dựng nhiều chương trình tour trong nước mới lạ, thêm nhiều điểm hấp dẫn, chất lượng cao hơn, đáp ứng đúng xu hướng của du khách. Song, giá là cản trở rất lớn. Nhiều khách hàng tìm đến chúng tôi, thấy tour hay quá nhưng than giá cao. Sau khi so sánh, đối chiếu, họ chọn đi Thái, đi Singapore. Thật ra, đối với các DN lữ hành doanh số vẫn đạt theo kế hoạch. Chỉ có điều buộc lòng phải chuyển hướng đưa khách ra nước ngoài thì các điểm đến thiệt thòi, khách hàng thiệt thòi, cả ngành du lịch VN đều thiệt thòi", ông T.L chia sẻ đầy tiếc nuối.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - marketing và công nghệ thông tin thuộc TST Tourist, cũng thông báo công ty đã gần như đạt kế hoạch phục vụ 2.000 khách đi chơi dịp lễ 30.4 - 1.5 này. Năm nay khách chốt tour sớm, từ cách đây 3 tháng, thay vì dao động từ 1 - 1,5 tháng như trước. "Nhờ khách đặt tour sớm nên DN đã chủ động kế hoạch, giữ được giá vé máy bay và giá dịch vụ tốt. Nếu khách vẫn chốt sát ngày như trước thì cả khách hàng và DN đều nguy to vì giá vé máy bay ngày càng tăng mạnh. Ðặc biệt, nếu đề xuất tăng giá trần vé máy bay của Bộ GTVT được thông qua thì dịp lễ 30.4 - 1.5 sẽ rơi vào giai đoạn này. Vừa lễ, vừa tăng giá trần, coi như 2 lần tăng giá. DN sẽ không thể bán số lượng theo đúng kế hoạch", ông Mẫn thở phào.
Theo ghi nhận của TST Tourist, những đường tour có lượng khách quan tâm nhiều, chốt tour từ rất sớm bao gồm: Thái Lan, Ðài Loan, Dubai, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Từ sau khi du lịch mở cửa trở lại đến nay, lượng khách đặt tour tại TST Tourist đã đạt tỷ lệ 6/4 nghiêng về các tour outbound đưa khách đi du lịch nước ngoài. Dự báo từ tháng 6 tới, tỷ lệ này sẽ còn tăng cao hơn nữa, khi thị trường Trung Quốc nới lỏng thêm yêu cầu kiểm dịch đối với du khách. Trong bối cảnh đó, giá vé máy bay tăng, chi phí các dịch vụ du lịch trong nước tăng sẽ lập tức tác động đến hành vi du lịch của khách, đẩy các nhóm khách đang lưỡng lự mạnh dạn chuyển sang du lịch nước ngoài.
Mạnh ai nấy làm, giá tour khó cạnh tranh
Việc người Việt đổ dồn đi du lịch nước ngoài là xu hướng đã được ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HÐQT Vietravel Corporation, dự báo trước bởi sau 1 năm du lịch nội địa bùng nổ vượt cả giai đoạn 2019, người dân sẽ chuyển hướng ra nước ngoài du lịch. Ðó là xu thế tự nhiên, chiếc lò xo bị nén đã dần duỗi ra. Tuy vậy, ông vẫn bày tỏ lo ngại khi câu chuyện giá thành đang có quá nhiều bất ổn.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích: Ðứng ở góc độ hàng không, rất khó để đòi hỏi các hãng bay giảm giá vé trong giai đoạn hiện nay. Giá xăng dầu nếu trước đây chỉ chiếm khoảng 30% chi phí của hàng không thì giờ đã lên tới 50 - 60%. Tổng chi phí đầu vào của ngành hàng không đang tăng rất cao. Trong khi đó, nhu cầu đi máy bay hiện nay không chỉ là du lịch mà khách thương mại rất nhiều và tính lệch đầu gần như diễn ra quanh năm, theo mùa vụ, theo sự kiện, mùa lễ, tết. Ðơn cử, lễ 30.4, mọi người từ Hà Nội đổ đi Phú Quốc, máy bay chiều đó có thể đạt tỷ lệ lấp đầy 90 - 100% nhưng chiều ngược lại có khi chưa đạt tới 20 - 30%. Hãng không thể cho máy bay ở lại Phú Quốc để chờ khách đến nên buộc phải tính chi phí cộng cả 2 đầu để chia lại.
Trong trường hợp này, theo ông Kỳ, nếu có chính sách bán vé kiểu 2 chiều, khách mua trọn gói vé khứ hồi thì doanh nghiệp mới có thể chủ động tính toán để có giá vé tốt hơn. Mặt khác, máy bay thực chất là phương tiện đi lại chất lượng cao, cần chi phí bảo đảm an toàn bay và đảm bảo tàu có thể bay được, nhiều khi mức chi phí này vượt xa mức độ chi trả trong xã hội. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng không giá rẻ ra đời dựa trên nền tảng tiết giảm hết chi phí để có giá thành thấp nhất, cho đối tượng khách đi tàu, đi xe khách có thể "với" lên được. Thế nhưng, thời gian qua, việc duy trì mức giá vé quá thấp đã vô tình triệt tiêu cả ngành đường sắt và cả hàng không cũng không "sống" nổi vì các hãng đều đang bán vé dưới giá thành. Ðây là điều không thể duy trì lâu.
Trong khi đó, dưới góc độ du lịch, muốn giữ giá ổn định thì bắt buộc doanh nghiệp phải lên kế hoạch từ rất sớm, đặt cọc trước từ lâu để "ôm" series vé, chấp nhận hên xui kiểu "được ăn cả, ngã về không". Việc giá vé máy bay tăng cao là điều không doanh nghiệp lữ hành nào mong muốn. Chưa kể, các điểm du lịch hiện đang có xu hướng "rủ nhau" lẳng lặng thu phí hoặc tăng giá vé vào cổng. Ðiều này nếu không được kiểm soát sẽ phá vỡ hết kế hoạch bán hàng của doanh nghiệp lữ hành, gây tác động xấu cho toàn ngành du lịch.
"Trong khu vực Ðông Nam Á, các nước thu hút khách du lịch như Thái Lan, Singapore và Malaysia cho phép các hãng hàng không thực hiện cạnh tranh tự do, giá vé do thị trường quyết định nhưng tại sao họ vẫn có được giá du lịch hấp dẫn? Là bởi họ có "chìa khóa" liên kết. Mà muốn liên kết thì phải có "nhạc trưởng" vì du lịch là kinh tế tổng hợp, là cấu thành của rất nhiều ngành kinh tế hạ tầng nên muốn liên kết phải dựa vào thượng tầng. Ðây lại chính là điểm yếu của du lịch VN", ông Kỳ nói thẳng. Theo ông, "câu chuyện kích cầu du lịch của VN chưa bao giờ được làm tới nơi tới chốn. Với cách "ông" nào cũng muốn làm hết mọi dịch vụ để ôm lời như hiện nay, VN không thể bán tour rẻ hơn Thái Lan cũng như một số nước Ðông Nam Á".
"Ngân sách 5 - 6 triệu đồng có thể chọn đi Thái Lan, Campuchia, trong khi số tiền này có khi chỉ đủ mua vé máy bay từ TP.HCM - Hà Nội; nhiều tiền hơn một chút đi Singapore, Malaysia; ngân sách cao hơn thì chọn Hàn Quốc, Nhật Bản; cao hơn nữa thì đi Mỹ, châu Âu… Cao điểm hè có ý nghĩa vô cùng quan trọng với ngành du lịch VN. Nếu lượng khách quốc tế chưa kịp bù đắp thì hệ thống điểm đến, khách sạn, nhà hàng sẽ rất khó.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - marketing và công nghệ thông tin thuộc TST Tourist
Bình luận (0)