Giao dịch bất động sản tăng mạnh so với quý 3/2021
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý 3 có 51.000 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ thành công, tập trung chủ yếu tại Hải Phòng, Long An, Đà Nẵng, TP.HCM... Tổng lượng giao dịch bằng khoảng 73,8% so với quý 2 và bằng khoảng 439% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong quý 3, miền Bắc phát sinh lượng giao dịch bất động sản thành công ít nhất |
lê quân |
Cụ thể, tại miền Bắc có hơn 9.600 giao dịch; miền Trung có hơn 17.400 giao dịch; miền Nam có gần 24.000 giao dịch (riêng Hà Nội chỉ có hơn 1.500 giao dịch thành công; TP.HCM có hơn 2.100 giao dịch thành công).
Lượng giao dịch đất nền có hơn 115.100 giao dịch thành công, bằng khoảng 54% so với quý 2. Cụ thể, tại miền Bắc có hơn 21.800 giao dịch; miền Trung có gần 18.800 giao dịch; miền Nam có hơn 74.500 giao dịch.
Gần như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2
Bộ Xây dựng tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng nhiều địa phương, đưa ra nhận định, giá nhà căn hộ chung cư trong quý 3 cơ bản ổn định so với quý 2. Chỉ có giá nhà chung cư tại một số khu vực ở Hà Nội, TP.HCM tăng hơn so với quý 2.
Ở khu vực trung tâm Hà Nội, TP.HCM hầu như không còn căn hộ mức giá 25 triệu đồng/m2 |
Lê Quân |
Trong đó, các dự án nhà ở thương mại tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2; căn hộ có mức giá này chỉ có tại một số ít các dự án tại khu vực xa trung tâm các quận/huyện.
Thị trường chủ yếu gồm căn hộ chung cư trung cấp (giá khoảng 30 triệu đồng/m2 - dưới 50 triệu đồng/m2). Tuy nhiên, so về mức giá, thì tại Hà Nội đang "mềm" hơn tại TP.HCM, Đà Nẵng, người dân dễ lựa chọn mua hơn.
Đối với căn hộ cao cấp (có mức giá trên 50 triệu đồng), tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có một số dự án có vị trí đặc biệt, trung tâm có mức giá quảng cáo, chào bán rất cao, từ trên 80 triệu đồng/m2. Trong đó, TP.HCM có giá chào bán cao hơn Hà Nội và Đà Nẵng, phổ biến chào bán ở mức 150 triệu đồng/m2.
Đất nền ở thị trường thứ cấp giảm giá |
lê quân |
Với sản phẩm nhà ở riêng lẻ, đất nền, Bộ Xây dựng đánh giá, nhìn chung giá giao dịch thứ cấp trong quý 3 có xu hướng giảm nhẹ, khoảng 2 - 3% so với quý 2. Một số khu vực có mức giá giao dịch giảm nhiều trong quý như Q.Hà Đông, H.Thanh Trì, H.Hoài Đức (Hà Nội); Q.12, H.Củ Chi (TP.HCM); H.Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu); Q.Sơn Trà, Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng); TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch (Đồng Nai)…
Cạn nguồn cung, thị trường không còn tồn kho
Về tồn kho bất động sản, Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý 3, có hơn 51.000 giao dịch thành công. Trong khi đó, nguồn cung bất động sản có gần 19.000 căn nhà đủ điều kiện đưa vào giao dịch. Qua đó cho thấy, trong quý 3 không tạo ra lượng bất động sản tồn kho mới từ thị trường sơ cấp.
Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm nay, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung bất động sản) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao.
Tín dụng bị siết, giao dịch giảm so với quý 2
Lý giải việc thị trường bất động sản quý 3 có lượng giao dịch chỉ bằng 73,8% so với quý 2 nhưng khi so với quý 3.2021 lại cho thấy tăng đột biến đến 439%, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARS) cho rằng cùng kỳ năm trước, cả nước đang cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, tiếp xúc nên khó phát sinh giao dịch thành công. Quý 3 năm nay, cả nước không còn thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện phục hồi kinh tế nên lượng giao dịch bất động sản tăng đột biến.
Cũng theo ông Đính, số lượng giao dịch bất động sản trong quý 3 giảm hơn quý 2 có nguyên nhân lớn từ động thái nguồn vốn tín dụng vào bất động sản bị thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng mạnh; nguồn vốn trái phiếu bất động sản cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn... nên cả tổ chức, cá nhân bị hạn chế khả năng giao dịch bất động sản, dẫn đến số lượng giao dịch thành công giảm.
Bình luận (0)