'Gia cố' năng lực cứu nạn

25/07/2022 12:28 GMT+7

Dự báo trong năm 2022, Biển Đông có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới , trong đó 4 - 6 cơn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Vì vậy, thách thức càng gia tăng đối với công tác cứu nạn…

Chuyến cập bờ của 2 tàu cứu nạn Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) trưa 5.7 có lẽ là chuyến cứu nạn mới nhất dành cho ngư dân gặp nạn khi tàu thuyền đang hoạt động ở vùng biển xa (cách đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa chỉ 20 hải lý về hướng Đông Nam). Tàu SAR 412 được điều động để đưa ê kíp y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu y tế TP.Đà Nẵng rời đất liền…

Tàu SAR 412 cứu các ngư dân bị nạn trên biển

NGUYỄN TÚ

Nếu tính kỹ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2021, Đà Nẵng MRCC tiếp nhận thông tin tìm kiếm cứu nạn (TKCN) lên đến 114 lượt. Trong đó, có ít nhất 42 vụ tai nạn lao động, cần hỗ trợ y tế, người mất tích; còn lại, 42 thông tin về sự cố tàu thuyền như hỏng máy, mắc cạn, phá nước, đâm va. Đà Nẵng MRCC cũng đã điều động 25 lượt phương tiện để cứu trực tiếp 43 người, phối hợp cứu nạn 329 người khác. Đặc biệt, có 6 chuyến cứu nạn ở Hoàng Sa, góp phần khẳng định chủ quyền VN với quần đảo và giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Ông Bùi Tân Nguyên, Giám đốc Đà Nẵng MRCC, cho biết nhờ phương tiện tàu cứu nạn được đầu tư hiện đại, bảo dưỡng định kỳ mà lực lượng kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ cứu nạn khó khăn. Như đợt ảnh hưởng của bão số 7 năm 2021, Đà Nẵng MRCC đã phải điều phương tiện đưa 1 bệnh nhân bị tai biến, bất tỉnh từ Trạm xá quân y khu vực đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam (lúc đó sóng to gió lớn cô lập) vào bờ cứu chữa. Hồi tháng 10.2021, tàu cứu nạn SAR 274 cũng kịp tiếp cận tàu cá QNa 94808 đang chạy về bờ tránh áp thấp nhiệt đới nhưng khi đến vùng biển ngoài khơi Thừa Thiên - Huế thì một ngư dân chấn thương vùng đầu, tàu cá lại bị phá nước sắp chìm…

Tàu cứu nạn đưa ngư dân cập bờ Đà Nẵng an toàn

N.T

Phát huy tổ đội tự quản

Chính các tình huống bất ngờ và diễn biến ngày càng bất trắc trên biển đã đặt ra nhiều “gánh nặng” cho lực lượng TKCN, nhất là tính hiệu quả trong công tác ứng cứu.

Theo Ban chỉ huy PCTT-TKCN và phòng thủ dân sự TP.Đà Nẵng, thiên tai ngày càng phức tạp và gia tăng mức độ nguy hiểm do biến đổi khí hậu. Công tác dự đoán cũng khó khăn hơn do thiên tai không còn theo quy luật nhưng lại có sức tàn phá lớn. Quy chế tổ chức đánh bắt hải sản trên biển theo tổ đã đáp ứng được yêu cầu thực tế, khơi dậy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, công tác TKCN còn gặp một số khó khăn; đối với ngư dân, có tình trạng đánh giá không đúng mức về nguy cơ, nhiều tàu cá không trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh, không mua bảo hiểm hoặc mua với chi phí thấp...

Theo đại tá Trần Công Thành, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.Đà Nẵng, nhận thức của một bộ phận người dân, các phương tiện khi xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão còn chủ quan dẫn đến thiệt hại không nhỏ về người, vật chất. Một số tổ đội tàu thuyền chưa thực sự nhiệt tình giúp đỡ nhau trong lúc gặp khó khăn, còn trông chờ ỷ lại vào lực lượng thực thi trên biển.

Ngoài ra, công tác phối hợp trao đổi thông tin xử lý tình huống cứu nạn giữa các đơn vị có lúc chưa kịp thời, liên tục; các phương tiện gặp nạn thường ở vị trí xa đất liền hoặc ở vùng biển tranh chấp, gặp nạn vào ban đêm hoặc thời tiết xấu… Khâu phối hợp xử lý thuyền viên, phương tiện ngoại tỉnh, người nước ngoài bị nạn còn lúng túng; kinh phí cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai, trang thiết bị chỉ đáp ứng một phần nhiệm vụ…

Đại tá Trần Công Thành cho rằng, để nâng cao khả năng ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và những năm tiếp theo, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào hoạt động trên biển, kiên quyết không cho ra biển các phương tiện không đảm bảo điều kiện về kỹ thuật và an toàn hàng hải xuất bến, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Vai trò của các “Tổ đội tàu thuyền đoàn kết, tự quản” cần củng cố nhằm phát huy cao nhất phương châm 4 tại chỗ, tự cứu giúp lẫn nhau khi gặp nạn trên biển.

Bên cạnh đó, cần thiết có chính sách, cơ chế hợp lý để huy động phương tiện ngư dân đang hoạt động trên biển tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Công tác khen thưởng, biểu dương cũng phải kịp thời, nhất là đối với cá nhân, tổ tàu thuyền tự quản của ngư dân, lồng ghép vào chương trình tổng kết công tác phòng chống thiên tai hàng năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.