Giá cước lại... im lặng

24/08/2015 05:31 GMT+7

Giá dầu thế giới tuần qua đã xuống mức 40 USD/thùng, thấp nhất trong vòng hơn 6 năm. Trong nước, tính từ đầu tháng 7 tới nay, xăng đã có 4 lần giảm giá liên tiếp với mức giảm 2.200 đồng/lít. Còn dầu diezel tính từ đầu năm tới nay đã giảm hơn 3.000 đồng/lít. Nhưng giá cước vận tải vẫn... im lặng.

Giá dầu thế giới tuần qua đã xuống mức 40 USD/thùng, thấp nhất trong vòng hơn 6 năm. Trong nước, tính từ đầu tháng 7 tới nay, xăng đã có 4 lần giảm giá liên tiếp với mức giảm 2.200 đồng/lít. Còn dầu diezel tính từ đầu năm tới nay đã giảm hơn 3.000 đồng/lít. Nhưng giá cước vận tải vẫn... im lặng.

Xăng dầu giảm, đối tượng hưởng lợi đầu tiên và trực tiếp là vận tải, bởi nhiên liệu chiếm tới hơn 40 - 50% chi phí giá cước. Nhưng cũng như những lần trước, hầu như không thấy một sự chủ động giảm giá theo xăng dầu của các hãng vận tải. Lý do thì y như cũ, nào là khó khăn chỉnh lại đồng hồ cước; tốn kém in lại giá vé... Giá cước không giảm, kéo theo việc hàng triệu người dân cùng không ít doanh nghiệp bị “móc túi”. Doanh nghiệp thì bị “móc túi” khi vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất, phân phối... với giá cao hơn thực tế lẽ ra họ được hưởng. Hàng triệu hành khách bị móc túi khi mua vé xe đò, khi đi taxi... Cước không giảm, giá thành hàng hóa cũng không thể giảm theo xăng, gây ảnh hưởng đến sức mua cũng như sức cạnh tranh của hàng hóa nội trong khi việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo lộ trình hội nhập.
Sự im lặng của giá cước đang lặp lại đúng những gì đã xảy ra của năm trước. Hẳn chúng ta chưa quên, năm 2014 cuộc chiến giá dầu khiến xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm hàng chục lần liên tiếp với mức giảm lên tới trên 30% thì giá cước vẫn cố thủ giữ nguyên. Sự chây ì của giá cước khi đó đã gây phẫn nộ lớn cho dư luận, cho các nhà sản xuất và cả nền kinh tế. Buộc cơ quan chức năng có liên quan phải vào cuộc. Từng bộ, ngành đến các địa phương đã phải sử dụng mọi biện pháp, từ gửi văn bản yêu cầu giảm giá cước; thanh - kiểm tra việc tính giá; nêu tên những doanh nghiệp chây ì, thậm chí là kêu gọi tẩy chay các đơn vị kinh doanh thiếu sòng phẳng... nhưng cũng không ăn thua. Số doanh nghiệp giảm đã ít, mức giảm lại càng ít hơn. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến nền kinh tế không tận dụng được cơ hội từ cuộc chiến giá dầu thế giới để “bật” lên như tư vấn và kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Và bây giờ, mọi việc đang có dấu hiệu lặp lại y như vậy...
Chi phí năng lượng thấp có lợi cho người tiêu dùng và hầu hết các ngành sản xuất. Các nước trong khu vực, chủ yếu nhập khẩu dầu đang tận dụng tối đa cơ hội này để phát triển kinh tế, đặc biệt là tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa của họ khi xuất khẩu sang thị trường khác. Nếu để lịch sử “chây ì” của cước vận tải lặp lại, chúng ta không chỉ đánh mất cơ hội để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế mà còn đánh mất cơ hội tăng sức cạnh tranh cho sản xuất trong nước trong cuộc chiến với hàng ngoại khi mở cửa thị trường. Giá dầu thô thế giới dự báo sẽ vẫn tiếp tục giảm. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay để giá cước phải giảm sòng phẳng với giá xăng.
Đừng để người dân và cả nền kinh tế một lần nữa lại phải chịu thiệt thòi vì sự chây ì của giá cước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.