Ngày 30.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Nguyễn Đức Vương Trọng (33 tuổi, ở Đắk Lắk), Nguyễn Tùng Dương (29 tuổi, ở Thanh Hóa) và Nguyễn Hữu Thắng (22 tuổi, ở TP.Hà Nội) để điều tra về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Nạn nhân là bà T.L.H. (50 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM), bị nhóm người giả danh công an gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,8 tỉ đồng.
Theo điều tra, khoảng 14 giờ ngày 24.1, bà H. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, tự xưng là cán bộ công an yêu cầu bà H. cập nhật dữ liệu dân cư do sai sót thông tin. Người này đã hướng dẫn bà H. truy cập vào đường link lạ để cập nhật thông tin và bà H. làm theo.
Người này tiếp tục hỏi thêm một số thông tin liên quan đến các tài khoản ngân hàng. Lúc này, bà H. cảm thấy nghi ngờ nên đã cúp máy.
Giả danh công an, hack tài khoản rồi chiếm đoạt bạc tỉ
Tuy nhiên, ngay sau đó, các tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng của bà H. bị chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1,8 tỉ đồng. Biết mình bị lừa đảo, nạn nhân trình báo vụ việc đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM.
Các đơn vị chức năng tiến hành đồng bộ các biện pháp điều tra xác minh, qua đó xác định số tiền của nạn nhân đã bị những người lừa đảo ở Campuchia chiếm quyền quản lý. Nhóm người này cũng chuyển số tiền của bà H. đến nhiều số tài khoản khác nhau, trong đó có các tài khoản ở Việt Nam.
Công an xác định Trọng, Dương, Thắng là một trong số những tài khoản đã sử dụng tiền của bà H. để thanh toán mua hàng nên nhanh chóng bắt giữ.
Tại cơ quan công an, nhóm này khai tháng 10.2023, thông qua hội nhóm trên không gian mạng đã quen biết và trò chuyện với một số người trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động tại Campuchia.
Thủ đoạn của nhóm này là giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát hoặc nhân viên ngân hàng... gọi điện thoại cho nạn nhân rồi lừa đảo, hack điện thoại di động và chuyển tiền từ tài khoản của nạn nhân cho hàng loạt tài khoản do nhóm này quản lý.
Để rửa tiền lừa đảo, nhóm này kết nối với những người ở Việt Nam, sử dụng tiền thanh toán mua hàng tại các trang thương mại điện tử rồi lấy hàng hóa mua được đem bán với giá rẻ hơn giá thị trường. 65% số tiền thu được từ bán hàng hóa sẽ được chuyển ngược lại cho nhóm lừa đảo ở Campuchia; và nhóm của Trọng, Dương, Thắng được hưởng 30%, trừ khấu hao khi bán sản phẩm 5%.
Trưa 24.1, nhóm ở Campuchia gửi cho Trọng, Dương và Thắng thông tin thẻ tín dụng của bà H. vừa chiếm đoạt được.
Dương dùng các thông tin để mua 6 điện thoại với số tiền hơn 194 triệu đồng bằng hình thức đặt hàng trực tuyến. Sau khi lấy hàng, Dương lên mạng để bán lại 6 chiếc điện thoại với số tiền 175 triệu đồng. Sau đó chuyển 129 triệu đồng đến tài khoản của nhóm ở Campuchia. Số còn lại nhóm này được hưởng.
Nhóm này khai, ngoài bà H., cùng thủ đoạn như trên, nhóm đã chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân khác.
Vụ giả danh công an gọi điện hack điện thoại rút tiền trong tài khoản ngân hàng đang được Công an TP.HCM tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ.
Xem nhanh 12h ngày 31.3: Giả danh công an hack điện thoại rút tiền trong tài khoản ngân hàng
Bình luận (0)