Giả danh thanh tra sở y tế lừa đảo bán thuốc xương khớp

08/04/2024 10:51 GMT+7

Giả danh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thăm hỏi tình hình sức khỏe người bệnh, đối tượng lừa đảo đã mời mua thuốc 'Calcium', 'Phục cốt đơn' của 'Nhà chùa Long Hương' hoặc 'Trung tâm hỗ trợ sức khỏe' với giá từ 1 - 3 triệu đồng/đơn thuốc (từ 1 - 3 hộp thuốc trên), kèm theo 'thẻ bảo hành'.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội đang điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức gọi điện thoại cho người mắc bệnh xương khớp tư vấn và bán thuốc điều trị.

Giả danh thanh tra sở y tế lừa đảo bán thuốc xương khớp- Ảnh 1.

Để không bị lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được Nhà nước cấp phép

CỤC AN TOÀN THÔNG TIN

Đối tượng giả danh nhận mình là Phan Thanh Hải, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, thăm hỏi tình hình sức khỏe người bệnh, các loại thuốc đã dùng, sau đó mời mua thuốc "Calcium", "Phục cốt đơn" của "Nhà chùa Long Hương" hoặc "Trung tâm hỗ trợ sức khỏe" với giá từ 1 - 3 triệu đồng/đơn thuốc (từ 1 - 3 hộp thuốc trên), kèm theo "thẻ bảo hành" với mã bảo hành 110299.

Trên thẻ bảo hành còn cung cấp nội dung như: "THẺ BẢO HÀNH Vì sức khỏe người Việt", hứa hoàn 50 triệu đồng nếu khách hàng phát hiện trong sản phẩm có CHẤT GÂY HẠI.

Ngoài ra, tại mặt sau (màu trắng) sẽ điền thông tin khách hàng sở hữu thẻ cùng với cam kết cải thiện 90% bệnh lý nếu không nhà thuốc sẽ hỗ trợ miễn phí đến khi dứt điểm, khỏi hẳn bệnh; hoàn tới 80% chi phí điều trị nếu bệnh lý không cải thiện.

Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo này chuyển thuốc cho người bệnh qua dịch vụ EMS Việt Nam hoặc Viettel Post, nhờ thu tiền hộ qua nhân viên giao hàng.

Sau đó, đối tượng lừa người bệnh tham gia chương trình lập sổ hỗ trợ thăm khám bệnh miễn phí tại các bệnh viện T.Ư hoặc sẽ được hỗ trợ một lần với số tiền từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, với điều kiện phải nộp tiền phí lập sổ hoặc tiền thuế giá trị gia tăng vào tài khoản của đối tượng lừa đảo.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên đặc biệt cẩn trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội, đặc biệt đối với các mặt hàng liên quan đến sức khỏe và tính mạng người sử dụng; tuyệt đối không nghe tư vấn trên các trang web hay cuộc gọi giả mạo khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn. 

Khi muốn khám, chữa bệnh, người dân chỉ nên tìm đến các cơ sở y tế đã được cấp phép để chuyên gia y tế khám, hướng dẫn chữa trị và mua thuốc tại các cơ sở y tế uy tín, được Nhà nước cấp phép theo đúng quy định, để tránh tình trạng tiền mất, tật mang.

Không nên tham gia các hội nhóm đặt đơn ảo trên Facebook, Zalo, Telegram

Ngày 7.4, Cục An toàn thông tin cũng đã đưa ra cảnh báo về việc hàng loạt đối tượng chiếm đoạt mã giảm giá trên sàn thương mại điện tử.

Giả danh thanh tra sở y tế lừa đảo bán thuốc xương khớp- Ảnh 2.

Các nhóm đặt đơn ảo đã tạo ra các giao dịch ảo để chiếm đoạt giá trị các mã giảm giá mà Shopee tài trợ cho những người mua hàng

CỤC AN TOÀN THÔNG TIN

Theo cơ quan này, ngày 1.4 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thông tin về việc ra quyết định khởi tố hàng loạt đối tượng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH Shopee.

Lợi dụng sàn thương mại điện tử Shopee thường xuyên có các đợt khuyến mại, giảm giá dưới dạng các mã giảm giá (voucher) để tạo điều kiện ưu đãi cho người tiêu dùng mua được hàng với giá cả phải chăng, các hội nhóm trên mạng xã hội trong và ngoài địa bàn tỉnh Phú Thọ kêu gọi đặt đơn ảo (trả công cho người đặt đơn) và áp voucher giảm giá khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee.

Các hội nhóm này có sự cấu kết giữa người bán (seller), người mua (buyer), nhân viên giao nhận tại các công ty chuyển phát và các đối tác tiếp thị liên kết người bán (seller affiliate) có đăng ký mở tài khoản trên sàn thương mại điện tử Shopee.

Bằng thủ đoạn chính là đặt đơn hàng ảo, các nhóm này tạo ra các giao dịch ảo với giá trị hàng chục tỉ đồng và thông qua đó tiến hành chiếm đoạt giá trị các mã giảm giá mà Shopee tài trợ cho những người mua hàng trên sàn thương mại điện tử này.

Hành vi này đang trực tiếp gây thiệt hại cho Shopee, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người bán hàng, người mua hàng chân chính, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân không nên tham gia các hội nhóm đặt đơn ảo trên Facebook, Zalo, Telegram hay các nền tảng mạng xã hội khác để tránh tiếp tay cho các nhóm tội phạm lừa đảo các sàn thương mại điện tử hoặc chính mình có thể trở thành nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn tuyển người làm "việc nhẹ lương cao". Đồng thời, đối với người mua hàng, cần kiểm tra và tìm hiểu kỹ thông tin về người bán; chỉ thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được mức độ uy tín của người bán hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.