Giá đất bồi thường khác hẳn giá thị trường gây khiếu kiện, thất thu ngân sách

27/05/2019 15:10 GMT+7

Hầu hết các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, cơ chế xác định giá đất để tính tiền bồi thường hiện nay không sát với thị trường là nguyên nhân chính gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài và thất thu ngân sách.

Thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị (2013 - 2018) sáng 27.5, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nhận định, giá đất để tính tiền bồi thường cho người có đất bị thu hồi, cũng như tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất phải nộp ngân sách hiện nay rất bất cập, không sát với thị trường, làm thiệt hại cho người dân, gây bức xúc, khiếu kiện và thất thu ngân sách.
“Chính phủ cần theo sát diễn biến của thị trường để điều chỉnh khung giá đất kịp thời, chấm dứt tình trạng có khu vực đã áp mức giá tối đa của Chính phủ nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường”, đại biểu Hàm kiến nghị.
Bên cạnh đó, theo đại biểu tỉnh Phú Thọ, Chính phủ cũng cần phải hoàn thiện các phương pháp tính giá đất và các vấn đề liên quan để các địa phương xác định bảng giá đất cụ thể phù hợp với thị trường, bảo đảm lợi ích cho người dân và không gây thất thoát ngân sách.
Theo đại biểu Hàm, đây là vấn đề rất khó, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng không thể không làm vì Hiến pháp quy định “đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý”.
“Đất đai là của nhân dân, nhân dân đã trao quyền đại diện chủ sở hữu cho nhà nước nên nhà nước phải có trách nhiệm ban hành chính sách, tổ chức thực hiện chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người dân, người được Hiến pháp trao cho quyền sở hữu đất đai”, đại biểu Hàm nói và nhấn mạnh: không tính toán được giá đất sát thị trường thì không thể chấm dứt được khiếu kiện, mất an ninh trật tự xã hội và thất thoát nguồn thu từ đất đai.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng, hiện nay, chúng ta đang quản lý giá đất theo khung giá đất của Chính phủ và bảng giá đất của ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nhưng có thể thấy là thấp hơn giá trị thật, dẫn đến thất thu nguồn thu của ngân sách nhà nước
Đại biểu Phạm Văn Hòa thảo luận tại Quốc hội sáng 27.5 Ảnh Gia Hân
Bên cạnh đó, theo đại biểu này, hội đồng thẩm định giá đất hiện do chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm chủ tịch thì khó có thể đảm bảo khách quan.
“Tôi cho rằng đây là những nguyên nhân xuất phát từ quy định của pháp luật, có những nội dung cần phải sửa luật Đất đai 2013, nhưng cũng có nội dung liên quan đến các văn bản dưới luật cần được khẩn trương sửa đổi bổ sung”, đại biểu Giang kiến nghị.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan cần xác định cơ chế giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai theo hướng minh bạch.
Đại biểu Đồng Tháp phân tích, quyền sử dụng đất là hàng hóa, giá cả của nó phải tuân thủ theo luật cung cầu của thị trường nên giá đất luôn vận động và thay đổi theo hướng cung cầu. Để thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, nhà nước chỉ có thể ban hành khung pháp lý về giá đất, trong đó hoàn thiện bảng giá đất với các hệ số phù hợp được công bố công khai làm cơ sở thực hiện đấu giá nghiêm túc khi nhà nước thu hồi đất. Các cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế giá đất để bồi thường khi thu hồi đất.
“Việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư là vấn đề nóng hiện nay dẫn đến việc người dân chưa đồng tình, khiếu nại kéo dài”, đại biểu Hòa nhấn mạnh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.