Sáng 11.3, Ban Kinh tế Trung ương và Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển bền vững thị trường bất động sản trong bối cảnh mới”.
Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế - Luật, hiện các nguồn thu từ đất đai có xu hướng sụt giảm dần, như thu tiền sử dụng đất hay thu lệ phí trước bạ nhà, đất cũng có tốc độ đi xuống. Bên cạnh đó, quy định về giá đất để tính nghĩa vụ tài chính mà các tổ chức, cá nhân phải nộp ngân sách nhà nước là giá đất do nhà nước ban hành và giá thị trường. Nhưng việc quy định thời kỳ áp dụng bảng giá đất của các địa phương là 5 năm/lần trong khi đó giá thị trường có thể thay đổi theo từng ngày, thậm chí là từng giờ đã khiến nguyên tắc này hoàn toàn không thể thực thi được trên thực tế.
Giá đất nhà nước công bố còn thua xa giá thị trường |
Đình Sơn |
Ví dụ, giá đất trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) cuối năm 2014 do thành phố ban hành là 59,8 triệu đồng/m2 thì đến quyết định ngày 16.1.2020 con đường này cũng giữ nguyên mức giá trên. Trong khi đó, từ tháng 8.2019 đến nay, TP.HCM có áp dụng hệ số điều chỉnh (hệ số K) nhưng gần như tương tự nhau đối với các trường hợp. Đồng thời, khoảng cách về hệ số điều chỉnh giữa các giai đoạn khá nhỏ so với mức tăng của thị trường. Cụ thể, giá đất trên đường Đồng Khởi được công bố là 162 triệu đồng/m2. Nếu nhân với hệ số K cao nhất là 2,5 lần thì tương đương giá đất tại đường Đồng Khởi là 405 triệu đồng/m2. Nhưng thực tế giá đất thị trường khu vực này hiện ở mức 1,1 tỉ đồng/m2.
Do đó liên quan đến vấn đề trên, GS Nguyễn Thị Cành và nhóm nghiên cứu kiến nghị cần rà soát và điều chỉnh định kỳ hoặc đột xuất khung giá đất của nhà nước, bám sát diễn biến quan hệ cung cầu của thị trường. Đồng thời cần có quy định về giá đất cụ thể hơn. Về ngắn hạn, có thể đưa ra đề xuất về hoàn thiện quy định về giá đất nhà nước. Về dài hạn, cần xem xét và cân nhắc việc bỏ hẳn quy định về giá đất nhà nước và tất cả chỉ còn dựa vào giá đất thị trường...
Bình luận (0)