Sáng 9.3, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cùng các cơ quan liên quan tổ chức tọa đàm về công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022.
Bà Doãn Thị Hồng Nhung, Phó ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phản ánh thực tế những vụ án lớn về đất đai thời gian qua đều có vi phạm về quyền dân chủ, quyền tiếp cận thông tin của người dân. Theo bà Nhung, tình trạng trục lợi chính sách thể hiện rất rõ từ giá đất và bảng giá đất.
Bà Nhung dẫn chứng khảo sát của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy giá đất trước và sau khi có dự án chênh từ 50 đến 700 lần.
“Con số này phản ánh địa tô chênh lệch thể hiện rất rõ lợi ích của người dân, chủ đầu tư, Nhà nước dường như không công bằng và là hậu quả trong đầu tư kinh doanh”, bà Nhung nói và cho rằng việc không minh bạch giá đất, quy hoạch là nguy cơ dẫn đến hoạt động rửa tiền, tham nhũng.
Theo bà Nhung, dù công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất là một trong những nhiệm vụ mà chính quyền địa phương phải thực hiện theo luật, song việc này còn rất nhiều vấn đề, có những nơi không công bố hoặc có công bố nhưng không đầy đủ.
Bên cạnh đó, việc công khai thông tin trên các website ở địa phương cũng chưa đồng bộ, mức độ không đồng đều.
Từ đó, bà Nhung kiến nghị sớm hoàn thiện luật Đất đai sửa đổi và luật Tiếp cận thông tin theo hướng công khai, minh bạch để tăng cường sự giám sát của người dân, giúp người dân tiếp cận được thông tin về đất đai.
Mập mờ thông tin quy hoạch dẫn đến đầu cơ trục lợi đất đai
Trong khi đó, giáo sư Nguyễn Đăng Dung, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận tính công khai, mức độ tiếp cận của người dân đối với thông tin về quy hoạch, giá đất hiện vẫn rất mập mờ.
“Việc mập mờ thông tin dẫn đến tình trạng một số ít, hoặc nhóm người nắm được thông tin này sẽ làm giàu thông qua tích trữ, đầu cơ đất đai; gây khó khăn cho công tác quản lý và thất thoát cho Nhà nước”, ông Dung lưu ý.
Ông Dung cho rằng, càng cung cấp thông tin quy hoạch, giá đất nhanh bao nhiêu càng tốt cho người dân bấy nhiêu; đồng thời phần nào giải quyết tình trạng đầu cơ, tích trữ đẩy giá đất lên cao trong khi người có nhu cầu thực sự không mua được.
Giáo sư Nguyễn Đăng Dung ủng hộ ý tưởng cần có một trang thông tin thống nhất về giá đất, người dân qua đó có thể dễ dàng truy cập, thao tác để nắm bắt được giá đất, quy hoạch đất nơi mình đang ở. Bên cạnh đó, cơ quan dân cử từ Quốc hội, HĐND các cấp cho đến Mặt trận Tổ quốc các cấp cần giám sát việc công khai thông tin về đất đai cho người dân.
Theo luật Đất đai 2013 và luật Tiếp cận thông tin 2016, việc công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất là một trong những nhiệm vụ mà chính quyền địa phương phải thực hiện nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, hướng tới quản trị đất đai tốt hơn.
Tọa đàm nằm trong nghiên cứu của UNDP về công khai thông tin kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022 được thực hiện từ tháng 10.2022 đến tháng 2.2023 thông qua việc rà soát cổng thông tin điện tử chính thức của 63 tỉnh, thành phố và 705 quận, huyện, thị xã trên toàn quốc.
Kết quả khảo sát thường niên qua Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) từ năm 2011 đến 2021 cho thấy, dưới 20% số người được hỏi trên toàn quốc biết đến kế hoạch sử dụng đất ở địa phương, và dưới 40% biết đến bảng giá đất chính thức do chính quyền cấp tỉnh ban hành.
Về việc công khai bảng giá đất, tính đến ngày 6.10.2022, có 41/63 tỉnh. thành (65%) đã đăng tải công khai bảng giá đất trên cổng thông tin điện tử của địa phương, tăng 22,2% so với kết quả rà soát năm 2021.
Tuy nhiên, tài liệu ở một số cổng thông tin được lưu dưới dạng tài liệu nén và lưu trữ thiếu tính hệ thống, dẫn tới khó khăn cho người sử dụng muốn tìm kiếm bảng giá đất.
Bình luận (0)