Giá điện bán lẻ sẽ tăng bao nhiêu?

07/02/2023 06:45 GMT+7

Khung giá bán lẻ điện bình quân mới (chưa bao gồm thuế GTGT) chính thức tăng mạnh từ ngày 3.2, khiến không ít doanh nghiệp lo lắng giá bán lẻ điện sinh hoạt và sản xuất kinh doanh sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Khung giá bán lẻ tăng mức tối đa hơn 28%

Theo Quyết định 02/2023 do Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký, từ ngày 3.2, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế GTGT) tối thiểu và tối đa từ 1.826,22 - 2.444,09 đồng/kWh. So với mức giá bình quân cũ theo Quyết định 34/2017 là từ 1.606,19 - 1.906,42 đồng/kWh, khung giá bán lẻ điện mới tăng từ 220 - 538 đồng/kWh. Như vậy, ở mức tăng tối thiểu, khung giá bán lẻ điện mới tăng khoảng 13,7%, mức tăng tối đa tăng đến 28,2%.

Giá điện bán lẻ  sẽ tăng bao nhiêu ? - Ảnh 1.

Giá điện tăng mạnh trong thời gian tới?

T.N

Hiện tại, giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân áp dụng cho người dân và doanh nghiệp (DN) là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) và được áp dụng từ năm 2019 đến nay. Trong khi đó, năm 2022, giá bán lẻ điện bình quân theo tính toán của Tập đoàn điện lực VN (EVN) phải cao hơn 2,74% so với giá bình quân được áp dụng từ 2019, từ 1.864,44 đồng lên 1.915,69 đồng/kWh. Dự kiến, điện thương phẩm trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 251,28 tỉ kWh, tăng 9 tỉ kWh so với năm 2022. GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam, tính toán với giá bán lẻ bình quân mới, thì mức giá điện sinh hoạt và sản xuất có thể sẽ tăng hơn 3%, thậm chí cao hơn.

Chính thức tăng khung giá bán lẻ điện

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói khung giá bán lẻ điện bình quân này để tính cho giá thành sản xuất điện của EVN. Tất nhiên, việc điều chỉnh khung giá bán lẻ điện tăng tại Quyết định 02/2023 chưa làm thay đổi ngay giá điện bán lẻ sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đây là cơ sở quan trọng, từ khung giá sàn và trần này, Bộ Công thương lấy đó để ban hành quyết định tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt và sản xuất trong tương lai gần. 

"Mức tăng có thể lên đến 5%. Tuy nhiên, đưa ra một tỷ lệ tăng lúc này là cầm đèn chạy trước ô tô, bởi trong thực tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc tăng giá điện quá cao sẽ ảnh hưởng đến người dân và DN, nền kinh tế khó chống đỡ. Nên tính toán số liệu là một phần, phần quan trọng hơn là cân đối vĩ mô thế nào để không bị ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng, lạm phát", ông Trinh nói và cho rằng tăng giá điện lúc này là 3% hay 5% đều tạo áp lực kép lên nền kinh tế vốn đang không mấy khỏe mạnh. Hiện lãi suất cho vay tăng không chịu dừng, DN vừa và nhỏ chiếm hơn 93% trong hệ thống và nhiều DN đang gồng hết nổi. Nếu giá điện tăng, đẩy chi phí của DN tăng lúc này, thì DN sẽ… "rơi rụng" tiếp. 

"Về vĩ mô, tôi vẫn cho rằng chưa nên tăng giá điện cho sinh hoạt và sản xuất lúc này. Chi phí của DN tăng thì dẫn đến giá cả hàng hóa tăng, lợi nhuận lại giảm. Lo lắng nhất trong năm nay là nhu cầu tiêu dùng giảm, sản xuất khó "cất đầu" lên như mong đợi. Đừng cho rằng tăng giá điện sẽ tạo nên mặt bằng mới, chưa có đâu, vì sản xuất giảm mà. Tác động của đầu vào tăng sẽ chưa có hiệu ứng ngay lập tức, đi một vòng rồi quay lại, mặt bằng giá mới lúc đó mới được tạo lập. Như vậy, tăng giá điện lúc này, vô hình trung ta tạo cho chúng ta một năm 2023 khó khăn và kéo dài đến năm sau nữa", chuyên gia Bùi Trinh phân tích.

Xem nhanh 20h ngày 6.2: Điện chính thức tăng giá | Nhà vệ sinh công cộng Việt Nam giành giải lớn

Về vĩ mô, tôi vẫn cho rằng chưa nên tăng giá điện cho sinh hoạt và sản xuất lúc này. Chi phí của DN tăng thì dẫn đến giá cả hàng hóa tăng, lợi nhuận lại giảm. Lo lắng nhất trong năm nay là nhu cầu tiêu dùng giảm, sản xuất khó “cất đầu” lên như mong đợi.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, nhận định: Thực tế, các lĩnh vực có tác động mạnh trong rổ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là chi phí dịch vụ, giải trí, vật liệu và đặc biệt chi phí thuê mặt bằng hộ kinh doanh và thuê trọ, mặt bằng thương mại. Trong bối cảnh sản xuất tiêu dùng đang chững lại như hiện nay, giá cho thuê mặt bằng vẫn không tăng. Nay giá điện tăng, dịch vụ cho thuê bất động sản sẽ "leo thang". Từ đó, mọi áp lực tăng giá trực tiếp vào giá hàng hóa thiết yếu, dịch vụ sẽ tăng nhanh.

DN mong tăng ở mức… thấp nhất

Ngay khi thông tin khung giá điện bán lẻ được điều chỉnh tăng, nhiều DN sản xuất, kinh doanh bày tỏ lo lắng. Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Bột Quốc tế (Intermix), than thở: "Tình hình kinh doanh của các DN sản xuất trong năm 2022 rất khó khăn, giá nguyên liệu tăng cao, chi phí xăng dầu tăng trong khi sức mua trên thị trường giảm sút vì thu nhập giảm, khiến người dân phải thắt lưng buộc bụng. Đầu năm nay tình hình chiến sự trên thế giới đã bớt căng thẳng, việc nhập khẩu nguyên liệu dễ thở hơn một chút, tuy nhiên sức mua trên thị trường vẫn hết sức ảm đạm. Đối với ngành kinh doanh bột mì, từ sau tết đến nay kinh doanh rất chậm, người dân chưa mạnh tay tiêu dùng. Trong khi đó, các nhà máy lại đang sử dụng nguồn năng lượng điện rất lớn, riêng nhà máy sản xuất của tôi bình quân mỗi tháng chi trả tiền điện hàng tỉ đồng. Dĩ nhiên, khi chi phí sản xuất tăng thì sẽ được cơ cấu vào giá bán lẻ, người tiêu dùng cuối phải gánh chịu, nhưng trong tình hình kinh doanh khó khăn như hiện nay thì việc tăng giá bán là điều hết sức bất đắc dĩ. Nếu bắt buộc phải tăng giá điện thì tôi đề xuất nên điều chỉnh ở mức thấp nhất để DN dễ thở. Chứ tăng cao quá thì rất khó khăn cho DN trong giai đoạn hiện nay".

Tác động từ tăng giá điện sẽ rõ rệt hơn nhiều với con số thật và có thể lan rộng trên nhiều lĩnh vực, hàng hóa. Thế nên, kỳ vọng Bộ Công thương sẽ tính toán cách “khéo” nhất để không tạo cú sốc cho nền kinh tế trong năm nay.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN: "Hiện nay, ngành sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ mặc dù đang đóng góp kim ngạch xuất khẩu gần 17 tỉ USD trong năm 2022 nhưng thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn; đáng nói, lần đầu tiên ngành gỗ phải đối mặt với sự suy giảm trong suốt 20 năm. Với sự khó khăn về thị trường tiêu thụ, các DN phải giảm giá thành để có được đơn hàng, giữ được khách hàng. Chi phí điện đang chiếm khoảng 4 - 6% trong cơ cấu giá thành sản phẩm đồ gỗ. Tăng giá điện trong thời điểm này ảnh hưởng trực tiếp đối với hoạt động sản xuất của DN. Về việc quản lý vĩ mô của Chính phủ thì chúng tôi không có ý kiến, tuy nhiên tình hình khó khăn cục bộ của ngành gỗ hiện nay rất cần được quan tâm, nếu có sự điều chỉnh thì cần cân đối ở mức vừa phải để các DN có thể hoạt động hiệu quả".

Đại diện Công ty Trung Đông, một trong những DN lớn chuyên sản xuất bao bì, cho biết: "Các DN sản xuất, xuất khẩu như chúng tôi chắc chắn sẽ là đối tượng chịu tác động mạnh từ việc tăng giá điện. Hiện nay, chúng tôi có đến 9 trạm biến thế, sử dụng điện năng rất lớn. Với doanh số 180 tỉ đồng/năm, tiền điện chúng tôi đang chi trả vào khoảng 6 tỉ đồng/năm, chiếm 3,5% chi phí vốn. Việc tăng giá điện tác động sâu rộng đến mọi thành phần, chắc chắn Chính phủ sẽ cân nhắc rất kỹ. Vấn đề hiện nay chính là các loại nguyên liệu, chi phí sản xuất đều tăng trong khi đơn hàng của DN lại sụt giảm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.