Giá điện đang tăng lũy kế

27/04/2019 08:18 GMT+7

Bộ Công thương còn muốn đưa lợi nhuận định mức của EVN cố định vào công thức tính giá bán lẻ điện bình quân.

Không chỉ muốn bảo mật giá điện, trong dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân mới đây, Bộ Công thương còn muốn đưa lợi nhuận định mức của EVN cố định vào công thức tính giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân sẽ được lập trên cơ sở chi phí của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối, bán lẻ điện, điều hành quản lý ngành và chi phí khác cùng lợi nhuận định mức của EVN để đảm bảo vận hành, cung ứng điện và đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư theo kế hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Theo các chuyên gia, trước đây lợi nhuận định mức của EVN mặc dù vẫn được tính toán vào giá bán lẻ điện bình quân, song không phải là khoản cố định trong công thức tính.
Với đề xuất này cộng thêm đề nghị đưa giá điện vào diện “mật” khiến dư luận không khỏi băn khoăn việc Bộ Công thương quá nuông chiều ngành điện. Một chuyên gia pháp lý thuộc Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng, trong 3% mức lợi nhuận định mức của EVN được hưởng sau khi tăng giá điện 8,36% từ ngày 20.3 vừa qua, có các chi phí về chênh lệch tỷ giá, các chi phí khác, hợp lệ theo quy định hiện nay...
“Đến bây giờ, chúng tôi không rõ các chi phí khác và chi phí hợp lệ theo quy định cụ thể là chi phí gì. Không một lời giải thích nào từ phía cơ quan quản lý là Bộ Công thương. “Quy định hiện hành” cũng khá mù mờ bởi nếu xét về khoản chi thì có 101 khoản để chi, khoản nào được quy định, khoản nào ngành tự đặt ra, khoản chi đó có liên quan đến vận hành cung ứng điện không... Giá điện cần loại bỏ nhiều khoản chi không liên quan đến quá trình vận hành. Đó là chưa nói, bản chất của giá điện hiện đang tăng lũy kế theo nhu cầu sử dụng chứ không đơn giản chỉ tăng tỷ lệ 8,36% - mức tăng thấp nhất trong 6 mức giá điện mà ngành điện đã thu của người tiêu dùng từ cuối tháng 3 vừa qua”, vị chuyên gia pháp lý này phân tích.
Ngoài ra, với quy định càng dùng nhiều điện, giá điện càng cao khiến người dân bức xúc. Với 6 bậc tính giá điện hiện nay, mức thấp nhất từ 0 - 50 kWh đã tăng 8,33% so với giá cũ cũng là mức tiêu thụ chưa tới... 1 phòng ở trong một gia đình. Hiện một hộ gia đình chỉ có 2 vợ chồng và đứa con, mức tiêu thụ thấp nhất cũng lên đến 250 kWh. Và như vậy, giá điện phải được tích theo mức giá thứ 4 từ 201 - 300 kWh/tháng và giá đã lên hơn 2.800 đồng/kWh thay vì gần 1.700 đồng/kWh ở mức 1 (0 - 50 kWh). Đó là chưa tính giá điện áp cho nhà trọ cho công nhân, sinh viên thuê luôn cao hơn mức tối thiểu rất nhiều.
Thực tế, với những mặt hàng còn duy trì sự độc quyền, được bảo hộ của nhà nước, bản chất đã thiếu cạnh tranh công bằng với các ngành nghề khác. Điện là một trong những mặt hàng hiếm hoi có quy định càng dùng nhiều càng chi trả cao, theo mức lũy kế nhưng ít bị phát hiện. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nói, nếu đòi cố định lãi, cần xóa bỏ độc quyền, cho tư nhân tham gia vào đầu tư nhiều hơn, cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, quy định phải bù giá điện cho một số ngành công nghiệp nặng cũng cần xem xét lại. “Doanh nghiệp sản xuất mặt hàng tiêu dùng phải chi trả tiền điện theo giá thị trường cao, chính sách ủng hộ hàng Việt không áp cho hàng tiêu dùng Việt, tại sao lại áp cho các ngành công nghiệp nặng, cũng cần cân nhắc xem xét lại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.