Giá điện gió

18/09/2018 04:40 GMT+7

Giá điện gió là mấu chốt quan trọng của rất nhiều vấn đề. Giá điện gió vừa được Chính phủ điều chỉnh tăng, giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc đang bế tắc.

Thứ nhất, giúp nhiều dự án đã và đang triển khai nhanh chóng đi vào hoạt động cũng như thu hút thêm nhiều dự án mới. Giới chuyên môn trong và ngoài nước đã có nhiều công trình khoa học chứng minh, VN có rất nhiều tiềm năng cho thị trường điện tái tạo như sức gió, bức xạ nhiệt mặt trời, sinh khối (điện từ rơm, rác thải vật nuôi, cây trồng, điện từ thủy triều, thủy điện...).
Tuy nhiên, do giá thành điện mua thương phẩm quá thấp, không có lợi cho nhà đầu tư nên họ cũng không mặn mà để khai thác hết lợi thế "cây nhà lá vườn" này. Việc tăng giá mua điện gió như nói trên, sẽ thu hút và "kích thích" các nhà đầu tư đưa dự án đi vào hoạt động.
Thứ hai, phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp VN giảm dần điện than, giảm nhập than, giảm ô nhiễm môi trường, đưa kinh tế VN phát triển một cách bền vững theo xu hướng chung của thế giới. Thực tế ngoài việc năng lượng hóa thạch dần cạn kiệt, điện hạt nhân khó có thể phát triển trong một sớm một chiều thì xu hướng tiêu dùng của thế giới cũng chuyển sang sử dụng các sản phẩm, dịch vụ được sản xuất từ nguyên liệu, công nghệ, năng lượng xanh. Thế nên dù muốn hay không, chúng ta cũng phải đi con đường này - con đường phát triển điện năng lượng tái tạo.
Thứ ba, phát triển điện gió tỷ lệ thuận với phát triển thiết bị ngành năng lượng tái tạo. Trước đó, Bộ Công thương đã đặt mục tiêu, từ năm 2020 sẽ nội địa hóa 30% thiết bị ngành năng lượng tái tạo, năm 2030 tỷ lệ này lên 60% và năm 2050 sẽ xuất khẩu thiết bị năng lượng tái tạo mang thương hiệu VN ra thế giới. Bộ Công thương phấn đấu đến năm 2020 sẽ đưa tỷ lệ hộ gia đình sử dụng bếp năng lượng tái tạo (bếp điện, bếp khí sinh học...) đạt 30% số hộ, năm 2025 là 60% và năm 2030 sẽ là 100% số gia đình VN sử dụng thiết bị điện năng lượng tái tạo.
Dẫn lại một vài chuyện để thấy, giải quyết được nút thắt giá sẽ tháo gỡ được rất nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, sự phát triển kinh tế - xã hội của VN. Tất nhiên, ngoài giá vẫn còn không ít vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ để điện gió có thể cất cánh như hợp đồng mua bán điện (PPA) cần được chuẩn hóa; quy trình phê duyệt dự án rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể để giảm tính bất trắc, tăng niềm tin của thị trường và nhà đầu tư; quy hoạch trước hạ tầng lưới điện, đảm bảo bổ sung nguồn năng lượng điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời; vấn đề sử dụng đất, vốn, việc đấu nối giải tỏa công suất...
Một chính sách hấp dẫn, môi trường kinh doanh minh bạch và một thị trường điện thực sự cạnh tranh giúp VN giải quyết nhu cầu điện ngày càng tăng bằng một nguồn năng lượng xanh, sạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.