Giá điện tăng, người trẻ lo lắng với hóa đơn tiền điện

05/05/2023 11:28 GMT+7

Trước thông tin giá điện tăng 3%, nhiều người trẻ cảm thấy lo lắng với chi phí đóng tiền điện hàng tháng khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong mùa nắng nóng gay gắt.

Theo Quyết định 377 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4.5.2023.

Với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện nay 1.864,44 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng), giá điện mới được điều chỉnh tăng thêm hơn 55,9 đồng/kWh (tương ứng với mức 3%). Sau 4 năm không được điều chỉnh kể từ lần gần nhất hồi tháng 3.2019, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng nhẹ kể từ hôm nay.

Giá điện tăng, lương không tăng, người trẻ lo lắng với hóa đơn tiền điện  - Ảnh 1.

Trong mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng cao, người trẻ lo lắng khi giá điện tăng

PHÚC KHA

Thời tiết TP.HCM đang ở giai đoạn nắng nóng gay gắt, nhiều người trẻ than thở hóa đơn tiền điện tăng cao. Vừa rồi, giá điện tăng 3%, họ lo sợ sắp tới tiền điện sẽ tăng cao hơn nữa.

Hiện đang ở trọ cùng với 2 người bạn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh, Nguyễn Hoàng Thái, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết do thời tiết nắng nóng oi bức nên khi ở phòng trọ, nam sinh cùng các bạn phải mở điều hòa. Nghe tin giá điện tăng cao, Thái cảm thấy rất lo lắng.

“Sau khi có thông báo tăng giá điện lên 3%, chủ phòng trọ gửi thông tin là sắp tới giá điện của phòng sẽ tăng từ 3.500 đồng/kWh lên 4.000 đồng/kWh. Mỗi tháng phòng trọ mình tốn khoảng 900.000 đồng trả tiền điện, nếu giá điện tăng lên 4.000 đồng thì mình sẽ phải trả tiền điện thêm khoảng 200.000 đồng. Trong những ngày sắp tới, mình sẽ đến thư viện trường, cửa hàng tiện lợi để cùng hưởng không khí mát mẻ, thay vì sử dụng máy lạnh tại nhà”, Thái chia sẻ.

Liên tục 2 tháng vừa rồi, tiền điện phòng trọ của Lê Hoàng Ngân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tăng lên hơn 300.000 đồng. Hoàng Ngân lo sợ sắp tới sẽ tăng hơn nữa vì nhu cầu sử dụng máy lạnh trong những ngày nắng nóng và giá điện tăng 3%.

“Sắp tới mình và các bạn trong phòng dự tính sẽ đến thư viện trường chứ không ở nhà thường xuyên để tiết kiệm tiền điện. Tụi mình phải lên kế hoạch sử dụng điện trong phòng một cách hợp lý, chỉ sử dụng thiết bị điện khi thật sự cần thiết. Tiền điện tăng, vật giá tăng nhưng lương đi làm thêm của mình không tăng”, Hoàng Ngân chia sẻ.

Giá điện tăng, lương không tăng, người trẻ lo lắng với hóa đơn tiền điện  - Ảnh 2.

Người trẻ đang ở trọ lo lắng giá điện của phòng trọ sẽ tăng hơn nữa

THẢO PHƯƠNG

Lê Anh Minh (24 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cùng một người bạn thuê một căn hộ nằm trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM), cho biết nếu ở nhà, Minh mở máy lạnh cả ngày lẫn đêm. Những ngày thời tiết chưa oi bức, Minh chỉ mở quạt ban ngày, 23 giờ đêm mới mở máy lạnh.

“Trong tháng 4, thời tiết cực kỳ oi bức, mình mở máy lạnh xuyên suốt nên căn hộ của mình đã phải trả thêm 500.000 đồng hóa đơn tiền điện, lên mức 1,6 triệu đồng. Giá điện tăng 3% kết hợp với nắng nóng kéo dài, mình tính toán rằng hóa đơn tiền điện sẽ tăng cao. Tiền điện tăng nhưng lương mình vẫn vậy, vì thế, mình phải chi tiêu tiết kiệm chứ không xài phung phí nữa. Các thiết bị điện khác ở trong nhà, mình phải đã dùng tiết kiệm hết sức có thể”.

Anh Minh mong qua giai đoạn thời tiết nắng nóng, TP.HCM tới mùa mưa, chi phí tiền điện sẽ ổn định trở lại.

Từng trả lời trên Báo Thanh Niên về vấn đề "Vì sao tiền điện có khả năng tăng cao trong mùa nắng nóng?", tiến sĩ Huỳnh Văn Vạn, Khoa Điện - điện tử, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) cho biết: “Việc nắng nóng kéo dài, nhiệt độ môi trường tăng cao cũng là nguyên nhân làm cho máy lạnh tiêu thụ điện nhiều hơn. Đơn cử như khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa không khí có thể tăng từ 1,5-3%, nhiệt độ tăng khoảng 5 độ C thì điện năng tiêu thụ có thể tăng thêm khoảng 10% do giải nhiệt của dàn nóng khó khăn hơn làm cho máy lạnh làm việc nặng nề hơn”.

“Trong mùa nắng nóng, để hạn chế việc phải trả nhiều tiền điện thì sinh viên nên chú ý các cách sử dụng thiết bị làm mát sao cho hợp lý. Điều hòa nên đặt ở mức 26-27 độ C trở lên, sử dụng kết hợp với quạt trong mùa này; khi đi ra vào mà phòng đang sử dụng máy lạnh thì phải đóng cửa và chèn các khe hở để tránh khí lạnh thoát ra lãng phí và hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm từ 9 giờ 30 - 11 giờ 30 và 17 giờ - 20 giờ. Không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn như: điều hòa, bếp đun điện…”, ông Vạn nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.