Gia đình chu cấp 3,5 triệu đồng/tháng, sinh viên than không đủ sống ở thành phố

15/06/2023 15:53 GMT+7

Từ quê lên TP.HCM học tập, nhiều sinh viên cho biết 3 triệu đồng/tháng là số tiền vẫn còn đem đến nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Tiền trọ nhiều hơn tiền ăn uống

Trước tình trạng chi phí sinh hoạt, học tập tăng, nhiều sinh viên loay hoay tìm cách cắt giảm chi tiêu, giảm bớt những khoản chi phí không cần thiết. Ngoài ra, sinh viên cũng cố gắng làm thêm các công việc ngoài giờ học để tăng thu nhập.

Gia đình chu cấp 3 triệu đồng/tháng, sinh viên than không đủ sống ở thành phố - Ảnh 1.

Sinh viên than 3 triệu đồng không đủ sống ở TP.HCM

PHÚC KHA

Mỗi tháng gia đình chu cấp cho Lê Thanh Trường, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, 3,5 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt. Số tiền này, Thanh Trường chi tiêu rất dè sẻn thì mới đủ chi trả sinh hoạt phí. Nam sinh cho biết trong những khoản chi tiêu hàng tháng của mình, tiền trọ là khoản phải dành ra nhiều nhất.

“Tiền phòng trọ của mình khoảng 1,5 triệu đồng. Ngoài tiền thuê trọ, một số loại chi phí bắt buộc nộp cho chủ trọ khiến mình phải “chóng mặt”. Chẳng hạn, tiền internet có giá dao động từ 100.000 đồng/phòng, giá giữ xe theo tháng 100.000 đồng/xe. Hơn nữa, chi phí cho việc đổ rác, vệ sinh không gian hành lang lối đi là 50.000 đồng/tháng. Như vậy, tính tiền điện nữa, một tháng mình phải chi gần 2 triệu đồng”, Thanh Trường chia sẻ.

Với số tiền gia đình chu cấp, Thanh Trường phải nghĩ trước, nghĩ sau xem mua gì ăn mà vẫn đủ tiền ăn cho cả tháng. Để giảm bớt chi tiêu, Trường thường mua sẵn 1 thùng mì tôm ở nhà để ăn bữa sáng thay vì đi ra ngoài ăn.

Gia đình chu cấp 3 triệu đồng/tháng, sinh viên than không đủ sống ở thành phố - Ảnh 2.

Một số sinh viên cho biết số tiền chi trả cho tiền trọ hàng tháng cao hơn tiền ăn uống

PHÚC KHA

Trần Thanh Sang, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cảm thấy 3 triệu đồng do gia đình chu cấp hàng tháng vẫn còn đem đến nhiều khó khăn trong chi tiêu và sinh hoạt. Để chi tiêu được thoải mái một chút, Sang đi làm thêm với thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Trước đây, chỉ với 3 triệu đồng, Sang có thể lo đủ chi phí thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt, đi lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá cả hàng hoá tăng, số tiền đó không đủ trang trải. Sang phải “thắt lưng buộc bụng”, cật lực làm thêm để có đủ chi phí trang trải cuộc sống.

Sang nói: “Với số tiền từ khoảng 4 triệu đồng/tháng, mình phải chi trả tiền trọ, tiền ăn, tiền xăng xe... Riêng tiền trọ, mình phải chi 1,5 triệu đồng/tháng nhờ vào ở trọ ghép với nhiều người. Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, có khi mình mua bó rau muống, quả trứng cùng bỏ chung vào một cái nồi, khi thì trứng luộc, khi thì chiên”.

Gia đình chu cấp 3 triệu đồng/tháng, sinh viên than không đủ sống ở thành phố - Ảnh 3.

Sinh viên nấu ăn tại nhà để tiết kiệm chi phí

PHÚC KHA

Những bữa cơm giá rẻ

Không thuê trọ ở ngoài, Hồ Kim Ngọc, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, lựa chọn ở ký túc xá của ĐH Quốc gia TP.HCM. Điều này giúp, Ngọc giảm thiểu được không ít gánh nặng về chi phí. Ngoài chi phí sinh hoạt, nữ sinh còn phải chi trả tiền giáo trình, tiền mua vật dụng sinh hoạt cá nhân. Vì điều kiện gia đình không khá giả, mỗi tháng Ngọc chỉ được gia đình hỗ trợ 2 triệu đồng.

Kim Ngọc nói: “Mình không muốn xin thêm tiền từ gia đình, mình phải thu hẹp khoản chi cho việc ăn uống. Những bữa cơm giá rẻ khoảng 25.000 đồng/bữa, cơm chay 15.000 đồng/bữa là một trong những nhân tố không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mình. Nhiều lúc chứng kiến mọi người ăn uống với giá 35.000 đồng, mình cũng thấy chạnh lòng nhưng chỉ có cách tiết kiệm tiền ăn mới giúp mình để dành tiền cho những khoản chi phí khác”.

Gia đình chu cấp 3 triệu đồng/tháng, sinh viên than không đủ sống ở thành phố - Ảnh 1.

Sinh viên lựa chọn ở ký túc xá để tiết kiệm tiền

PHÚC KHA

Cũng lựa chọn ở ký túc xá để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết tiền ăn uống tối thiểu một tháng khoảng 2 triệu đồng trở lên, đó vẫn chưa tính tiền dụng cụ học tập, hay chi phí phát sinh đau ốm, hay tiền mua vật dụng cá nhân. “Như vậy, bình quân mỗi tháng mình phải cần từ 3 triệu đồng mới tạm đủ sống. Với mức thu nhập của nhiều gia đình ở quê như em, đây là cả một “bài toán” rất khó”.

Thảo cố gắng cắt giảm những chi phí không cần thiết như đi chơi, đi ăn uống, cà phê cùng bạn bè. Thảo nói: “Lịch học tại trường khá dày nên mình không có thời gian đi làm thêm. Biết ba mẹ ở quê cũng vất vả nên mình phải chi tiêu tiết kiệm. Có những ngày hết tiền, bữa cơm chỉ có trứng luộc và rau luộc nhưng cũng không dám kể cho ba mẹ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.