Mấy hôm nay, khi các diễn đàn, hội nhóm trên mạng sục sôi chuyện có nên cho con đi học trở lại khi dịch Covid-19 chưa kết thúc, có một luồng ý kiến nổi trội được nhiều người đồng tình: Học tập là chuyện cả đời, nên chẳng có gì phải vội vã thúc ép trẻ con đến trường khi mối lo dịch họa chưa được dập tắt. Quan điểm ấy là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng đặt chuyện dịch bệnh sang một bên, liệu các bậc cha mẹ chúng ta có thực sự tôn trọng quan điểm “việc học là chuyện cả đời” mà không tranh thủ cắt xén, nhồi nhét kiến thức cho bọn trẻ trong suốt thời thơ ấu của con mình không?
Từ lúc 7 tuổi, cu Bi, con trai anh Thuận, một nhà cung cấp mà tôi thường giao dịch công việc, đã biết nói 3 ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức (thêm tiếng mẹ đẻ là 4). Bi còn tham gia đội bóng rổ của trường, thường xuyên có mặt trong các cuộc đua marathon lớn nhỏ của thành phố. Cuối tuần, trong khi những đứa trẻ khác được nghỉ xả hơi, Bi cặm cụi học vẽ và học chơi trống do giáo viên kèm riêng tại nhà. Hỏi học nhiều vậy con có mệt không, thằng bé cười trừ, không hiểu do không dám trả lời thật trước mặt ba mẹ hay cu cậu đã quen với cái nếp tất bật ấy rồi.
Nội dung trò chuyện với vợ chồng anh Thuận bao giờ cũng xoay quanh những thành tích cu Bi đã hay sẽ đạt được theo định hướng trở thành “công dân toàn cầu” của vợ chồng anh.
Chị Thi, một chị bạn ở xa của tôi cũng dạy con theo “truyền thống hiếu học” của người Việt dù gia đình chị sống ở Mỹ đã lâu, các con chị cũng được sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ. Mới 11 tuổi nhưng Lily, con gái lớn của chị đàn rất giỏi, vẽ cũng rất cừ và đặc biệt là không hề biết chơi game trên các thiết bị công nghệ như hầu hết những đứa trẻ cùng lứa ở Việt Nam. Lily còn biết nấu cơm với nhiều món khác nhau. Chị Thi bảo, việc học ở Mỹ không quá nhồi nhét, áp lực nhưng cả hai vợ chồng chị (đều là người Việt) thống nhất không để các con có thời gian trống, dễ sinh hư cũng như càng học nhiều sau này càng dễ thành đạt. Anh chị thực thi “kỷ luật sắt” với các con bằng chế độ học và học liên tục, từ học đàn, học vẽ, học thêu, học nấu ăn khiến ai đến nhà chơi đều trầm trồ trước sự “đa tài” của Lily. Tôi không biết Lily có vui không, có thích thú với những lời khen ngợi cho những thành tích “sớm hơn tuổi” đó không, nhưng tôi biết chắc rằng cô bé không thể phản đối lại bố mẹ hoặc làm gì khác ngoài việc tuân theo lịch trình học dày đặc mà bố mẹ đã sắp sẵn.
Mỗi người đều có cách giáo dục và định hướng riêng, không ai giống ai nhưng mục đích sau cùng vẫn là những điều (mà họ cho là) tốt đẹp nhất cho con họ.
Tuy nhiên, nhìn những đứa bé chưa đến tuổi lên mười nhưng phản ứng chậm chạp, thân hình thừa cân với cặp mắt kính cận dày cộm như Lily, cô bé lúc nào cũng lặng lẽ, co ro, tôi tự hỏi những đứa trẻ ấy đã được lớn lên với tuổi thơ đúng nghĩa là những ngày tháng thong dong, đẹp đẽ nhất của đời người hay không. Điều mà bố mẹ những đứa trẻ ấy đạt được chính là sự ngoan ngoãn, phục tùng và những thành tích mà con họ sớm đạt được theo sự kỳ vọng và sắp đặt của họ. Rồi đến lúc trưởng thành và trở thành cha mẹ, nếp sống ấy có thể đã ăn sâu vào tiềm thức của những cu Bi hay Lily và chúng không thể biết rằng có một phần đời tuổi thơ của chúng đã bị đánh cắp.
Bình luận (0)