Gia đình dấu yêu: 'Hợp tác' dạy con !

21/07/2019 11:14 GMT+7

Gia đình là tế bào của xã hội. Và vợ chồng, con cái lại là tế bào của gia đình. Một gia đình chỉ có vợ và chồng thôi thì chưa đủ, mà phải có thêm con cái thì mới ấm cúng và vui vẻ. Việc dạy con, vì thế cũng cần cả sự hợp sức của cha mẹ.

Cha mẹ bao giờ cũng muốn con mình nên người, học hành đến nên đến chốn. Lớn lên con cái thành danh, cha mẹ nở mặt nở mày. Trong xã hội, đại đa số các bậc làm cha mẹ đều mong muốn thế.
Ông bà ta nói: “Dạy con từ thuở còn thơ…”, câu nói ấy ngày nay vẫn còn đắc dụng. Rất hiếm đứa trẻ nào từ khi sinh ra và lớn lên không thông qua bất kỳ sự giáo dục nào mà nên người và đa số những đứa trẻ nên người đều nhận được sự giáo dục tốt của cha mẹ.
Ngay từ khi con còn bé, vai trò của cha mẹ rất quan trọng khi giáo dục con cái. Cha mẹ phải luôn “hợp tác”, hỗ trợ nhau trong việc dạy con. Có rất nhiều gia đình giao phó việc dạy con cho vợ hoặc chồng. Thành ra có nhiều trường hợp đứa con chỉ sợ cha hoặc sợ mẹ là như vậy. Việc giao phó cho vợ hoặc chồng dạy con thật là tai hại, đứa con sẽ không được giáo dục đầy đủ, suy nghĩ “thiên lệch” của chúng về cha mẹ là điều tất yếu. Càng lớn lên, nếp nghĩ ăn sâu vào trong đầu chúng, khi ấy ta muốn “hợp tác” giáo dục chúng thì đã muộn.
Thời buổi “cơm áo gạo tiền” hoặc lo sự nghiệp, lo làm giàu nên rất nhiều cặp vợ chồng không có thời gian “hợp tác” dạy con. Họ đổ thừa do hoàn cảnh, do cuộc sống... Họ vì con nhưng không chú trọng giáo dục chúng ngay từ nhỏ. Đứa trẻ lớn lên, có gia đình nhưng không thật sự vẹn toàn vì đánh mất đi sự giáo dục của cha hoặc mẹ ngay từ bé.
Hồi đó, cha tôi kể một câu chuyện ghi chép tại phiên tòa của nhà văn Vũ Hạnh. Câu chuyện đại ý rằng đứa con phạm pháp khi tòa xử án xong liền xin tòa gặp mẹ mình. Khi đến gần người mẹ anh cắn thật mạnh vào tay bà và nói mẹ sinh anh ta ra mà không giáo dục tốt để anh ta trở thành người phạm tội. Anh ta muốn người mẹ mình nhớ “vết cắn” ấy mãi mãi như nhớ sự thiếu bổn phận của người làm mẹ.
Bất kỳ bậc làm cha làm mẹ nào cũng muốn con mình nên người. Muốn vậy, phải giáo dục. Trong ba môi trường giáo dục: gia đình - nhà trường - xã hội thì gia đình là môi trường giáo dục quan trọng nhất, hình thành nên cá tính và đạo đức một con người.
Có một gia đình, một mái ấm hạnh phúc và vui vẻ là mong ước của mọi cặp vợ chồng. Khi có con, gia đình trở nên ấm cúng. Và khi dạy con, vợ chồng nên “hợp tác” tích cực, chia sẻ nhau thông tin để dạy con tốt. Ta biết tự hào khi con cái thành danh thì ta phải biết dạy chúng nên người. Điểm bắt đầu của việc ấy, là vợ chồng bắt tay “hợp tác” ngay khi chúng còn trẻ thơ. Đừng để mọi việc trở nên quá muộn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.