Hỏi ra tôi mới biết con chị năm nay vào lớp 6, bạn bè thi nhau mua xe nên thương con chị cũng gắng vay mượn để mua cho con bằng bạn bằng bè. Nghe chuyện của chị mà tôi thấy buồn, vừa thương vừa trách chị.
Tôi thương vì chị cũng giống như bao bà mẹ khác, hết lòng yêu con. Cứ nghĩ cuộc đời của mình toàn thua thiệt, thiếu thốn nên lúc nào cũng muốn dành cho con những gì tốt nhất, dù mình phải thức khuya dậy sớm, phải đi vay đi mượn.
Nhưng tôi cũng trách chị bởi từ trước đến nay chị thương con nhưng không đúng cách. Chị sẵn sàng cho con uống mỗi ngày 3 lon nước ngọt khi con muốn mà chưa từng nghĩ việc uống quá nhiều thứ nước giải khát này có thể khiến con bị béo phì, tiểu đường, sâu răng…
Chị sẵn sàng đưa cho con điện thoại để chơi game, xem phim hàng tiếng đồng hồ chỉ vì con khóc đòi, mà không hề nghĩ việc cho con xài điện thoại nhiều như thế khi con còn nhỏ là điều quá ư nguy hại!
Và nay, để con không thua thiệt bạn bè, chị sẵn sàng mua cho con chiếc xe hơn chục triệu đồng dù phải đi vay đi mượn. Mua xe cho con vì thương con nhưng chị không biết rằng chị đang làm hư con trẻ.
Một đứa trẻ mới 11 tuổi, thay vì đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe và đảm bảo an toàn thì chị lại trao cho con một chiếc xe máy điện đắt tiền, tiếp tay cho con vi phạm nội quy nhà trường và vi phạm luật an toàn giao thông.
Chị mua cho con chiếc xe máy điện mà không hề nghĩ đến việc một đứa trẻ sẽ rất khó làm chủ tay lái. Chiếc xe chạy nhanh và không gây ra tiếng động mà chị mua cho con có thể khiến con chị gặp nhiều nguy hiểm khi đi đến trường mỗi ngày. Đã có biết bao vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà nạn nhân chính là những cô, cậu học trò chạy xe lạng lách đánh võng, đi xe khi chưa đủ tuổi.
Tôi biết chị thương con vô điều kiện nhưng nếu tình thương không đúng cách thì chị đang làm hại con mình. Một đứa trẻ sinh ra trong cảnh nhà không dư thừa lại liên tục đua đòi theo bạn bè để sắm sửa liệu có biết điểm dừng để thôi làm mẹ khó xử, thôi đẩy mẹ vào cảnh chạy vạy ngược xuôi để lo toan cho con?
Giờ là chiếc xe máy điện, rồi sẽ còn biết bao nhiêu món hàng mà con đòi mua, đòi sắm cho bằng được. Và đã quen được nuông chiều theo kiểu muốn gì được nấy, sau này khi không được đáp ứng nhu cầu đua đòi, liệu con có “cãi chày cãi cối” rồi “mặt nặng mày nhẹ”, “đá thúng đụng nia”?
Lẽ ra với lứa tuổi của con, chị nên chú ý nhiều hơn đến việc uốn nắn con vào nếp sống giản dị. Con đã lên lớp 6, ít nhiều sẽ thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ cha mà biết đua đòi là sai trái. Tuy nhiên, nhìn cách chị vay mượn để mua bằng được xe cho con, tôi chỉ e đứa trẻ ấy sẽ trượt dài trong tình yêu thương mù quáng của người mẹ... Và tôi thấy lo vì cách thương con đó!
Bình luận (0)