Có nhiều cách dạy trẻ những bài học không chỉ trên sách vở. Khi tôi vào bếp, tôi sẽ tranh thủ cho con “mục sở thị” xem vì sao củ hành khi bị xắt ra sẽ làm người ta cay đến chảy nước mắt. Hoặc dầu ăn đang sôi sẽ bắn tung tóe gây bỏng nếu ta cho đồ chiên còn ướt vào (nhưng cho ít muối vào chảo dầu đang sôi sẽ khắc phục sự cố này). Cũng như cho ít muối vào nồi luộc sẽ giữ cho trứng không chảy ra ngoài nếu trứng bị vỡ trong khi luộc.
Mỗi bữa ăn, tôi thường nấu vừa đủ để tránh thức ăn thừa. Vừa ăn, tôi vừa nhắc các con đừng vương vãi, đã lấy thức ăn thì phải dùng hết chứ không được bỏ ngang vì biết bao người khó nghèo ngoài kia đến một bữa ăn tạm bợ còn không có. Mỗi khi tin tức thời sự trên thế giới chiếu cảnh một vùng đất nào đó đang đấu tranh để vượt qua cái nghèo, tôi lại gọi các con đến xem để chứng thực cho lời mẹ nói trong các bữa ăn về thực hành tiết kiệm.
Thông qua việc tráng miệng sau mỗi bữa ăn bằng các loại trái cây, tôi cũng không quên giải thích về tác dụng cung cấp vitamin của các loại rau củ, trái cây cùng lời nhắc các con về tình trạng thiếu hụt hoặc mất cân bằng vitamin sẽ khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh do thiếu sức đề kháng. Nói thế để các con hiểu một bữa ăn đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng có tác dụng “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để các con không chỉ ăn những món mình thích mà nên ăn cả những thứ bổ ích, cần thiết cho cơ thể nữa.
Ở những nơi có thể di chuyển bằng thang bộ, tôi luôn khuyến khích bọn trẻ hạn chế đi thang máy để cơ thể được vận động. Mỗi khi cần ra ngoài gần nhà, vợ chồng tôi vẫn cùng các con đi xe đạp hoặc đi bộ để tập thể dục, nghĩ sâu xa hơn là góp phần giảm khí thải, một công đôi việc. Việc xem trọng sức khỏe thể chất giúp trẻ không chỉ tập trung vào các môn chính mà lơ là “môn phụ” như môn thể dục với ý nghĩ “học giỏi mà không có sức khỏe thì cũng không làm gì được”.
Mỗi khi bắt gặp trên mạng hình ảnh những quán cơm từ thiện, những gói quà để sẵn bên đường cho ai cần thì lấy, hoặc những người không ngại hiểm nguy đang ngày đêm phục vụ cho những bệnh nhân trong mùa dịch, tôi sẽ cho con xem để hiểu thế nào là sự chia sẻ.
Việc giáo dục trẻ con xem ra không khó nếu đừng đặt nặng vào kiến thức học trên sách vở bởi bất cứ lúc nào, ở đâu, chúng ta đều có thể dạy con những bài học từ giản đơn đến phức tạp. Hơn nữa, những bài học “mắt thấy tai nghe”, những câu chuyện “người thật, việc thật” luôn có giá trị hơn những bài học lý thuyết suông. Trẻ con tự học hỏi, tìm tòi được là tốt. Nhưng nếu được người lớn chỉ bảo, “vẽ đường cho hươu chạy” chắc chắn sẽ tốt hơn, những chú “hươu non” sẽ đỡ chạy quàng chạy xiên, đỡ đâm vào bụi rậm gai góc do thông tin độc hại đang lan tràn khắp thế giới mạng.
Bình luận (0)