Gia đình du khách ngộ độc, 2 người tử vong: Bất thường từ thuốc diệt côn trùng?

26/09/2018 04:16 GMT+7

Dư luận quan tâm khi xuất hiện tình tiết nghi vấn về thuốc diệt côn trùng trong khách sạn...

Vụ 3 du khách trong gia đình nghi bị “ngộ độc” khiến 2 người tử vong, cùng với 1 cháu bé khác tử vong khi ở chung khách sạn tại TP.Đà Nẵng, đang khiến dư luận quan tâm khi xuất hiện tình tiết nghi vấn về thuốc diệt côn trùng trong khách sạn...

Như Thanh Niên đã thông tin, trước khi xuất viện hôm 24.9, anh Đặng Ngọc Vạn (29 tuổi, quê Nghệ An) đã mong muốn cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân khiến vợ và con anh gặp sự cố khi lưu trú tại khách sạn Hilary (số 128 Hồ Nghinh, P.Phước Mỹ, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) sáng 16.9, rồi tử vong. Trong đó lưu ý chi tiết thời điểm đó khách sạn đang phun thuốc diệt côn trùng.
TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, cho biết anh Vạn vào viện hôm 16.9 trong tình trạng hôn mê, rối loạn chức năng hô hấp và tuần hoàn, trụy tim, có biểu hiện suy đa tạng. Sở Y tế Đà Nẵng cho biết kết quả ban đầu về giám định pháp y cho thấy vợ và con trai 4 tuổi của anh Vạn tử vong (trong quá trình cấp cứu tại BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng) đều nhiễm độc.
“Chất độc vào trong cơ thể gây rối loạn các chỉ số sinh học, gây hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, nhịp thở. Tuy nhiên, chất độc gì và nhiễm độc qua đường nào thì vẫn phải đợi kết luận cuối cùng”, ông Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, nói.
Cùng lưu trú tại khách sạn Hilary đúng thời điểm gia đình anh Vạn gặp nạn, có bà N.T.X (58 tuổi) và cháu nội N.M.K (3 tuổi, ngụ P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng). Bà X. và cháu K. cũng có triệu chứng nôn ói, tiêu chảy..., đến cấp cứu tối 15.9 tại Trung tâm y tế Q.Sơn Trà, sau đó tình trạng sức khỏe cháu K. nghiêm trọng nên chuyển tiếp đến BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và tử vong rạng sáng 16.9.
Thời điểm đó, K. được chẩn đoán viêm dạ dày ruột cấp và được chỉ định làm thêm nhiều xét nghiệm khác. Theo bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó giám đốc BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, bệnh viêm dạ dày ruột cấp do vi rút và vi trùng xâm nhập qua đường tiêu hóa, ăn uống hay đường hô hấp, qua tay, miệng với các triệu chứng nôn nhiều hoặc nôn có kèm tiêu chảy.
Riêng bà X. được chẩn đoán viêm dạ dày ruột cấp, Trung tâm y tế Q.Sơn Trà giữ lại điều trị, nhưng sáng 16.9 bà đã rời đi không rõ lý do.
Khó kiểm soát công ty tư nhân phun thuốc
Do bệnh nhân Vạn loại trừ các nguyên nhân tai nạn do ngộ độc thực phẩm và đặt vấn đề về yếu tố “xịt thuốc diệt côn trùng”, nên nghi vấn hiện đổ dồn về phía khách sạn. Tuy nhiên, hôm qua 25.9, bà Trần Thị Bê, đại diện của công ty quản lý hệ thống 10 khách sạn (bao gồm cả khách sạn Hilary), đã từ chối gặp gỡ báo chí.
Trả lời qua điện thoại, bà Bê thông tin ngắn gọn rằng công ty của bà đã thuê một công ty khác xịt thuốc diệt côn trùng, và đây là việc làm rất bình thường, định kỳ 2 lần/tháng, thực hiện từ năm 2014 đến nay cho toàn bộ 10 khách sạn trực thuộc. Đồng thời, việc phun thuốc diệt côn trùng diễn ra trước khi đoàn khách gặp nạn vào ở tại khách sạn Hilary. Bà Bê cũng cho hay sau một thời gian đóng cửa để cơ quan điều tra khám nghiệm, khách sạn đã được phép hoạt động lại.
Chiều 25.9, đại tá Quách Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.Đà Nẵng, cũng chỉ xác nhận đang thụ lý điều tra vụ việc tại khách sạn Hilary, nhưng cho biết chưa thể cung cấp thông tin.
Liên quan đến thuốc diệt côn trùng trong các cơ sở lưu trú, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hội Khách sạn TP.Đà Nẵng, cho biết theo yêu cầu chung, các công ty chuyên nghiệp bắt buộc phải sử dụng hóa chất, dung dịch thân thiện với môi trường và con người; ưu tiên phun khi không có khách ở, nhưng cũng có thể phun buổi sáng thì buổi chiều khách vẫn ở được.
“Sử dụng dung dịch thân thiện môi trường, và người ta cũng không xịt nhiều như phòng chống dịch sốt xuất huyết mà chỉ diệt kiến, gián để khách đỡ sợ thôi. Chứ nếu dung dịch độc hại thì cách này cách kia vẫn bị ảnh hưởng nếu dính vào vật dụng trong phòng, gián tiếp gây hại cho con người”, ông Quỳnh chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.