Muôn kiểu ly hôn vì tiền
Nói về vai trò của kinh tế đối với mỗi gia đình, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (cựu giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM) nhận định: “Kinh tế là chức năng cơ bản của gia đình. Chức năng này nhằm đảm bảo sự tồn tại và phát triển của mỗi gia đình, đóng góp vào sự phát triển của toàn xã hội”.
Quả thực, tiền chưa chắc đã mang lại được hạnh phúc, nhưng thiếu tiền thì hạnh phúc gia đình chắc chắn sẽ bị đe dọa. Áp lực về kinh tế có thể dẫn đến căng thẳng và xung đột, ngay cả với những cặp vợ chồng được xem là hạnh phúc nhất.
Câu chuyện mâu thuẫn về tiền bạc dẫn đến khủng hoảng hôn nhân khá phổ biến hiện nay |
Chị Nguyễn Phương Thoa (34 tuổi, nhân viên bán hàng ở một siêu thị) cho biết: “Đợt dịch Covid chồng tôi bị sa thải, bảo ổng chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm mà ổng cứ lần lữa mãi. Cứ mỗi lần nhắc đến tiền sinh hoạt, ma chay hiếu hỉ, học phí của con thì ổng im. Tức nhất là ổng mượn người ta cả chục triệu đồng để chơi số đề mà không nói vợ tiếng nào. Tôi quá mệt mỏi nên đâm đơn, chồng như vậy có cũng như không”.
Không chỉ những gia đình gặp khó khăn về tài chính mới nảy sinh xung đột, ngay cả những gia đình có “của ăn của để” cũng gặp vấn đề của riêng mình. Anh Cao An, một người đàn ông vừa ly hôn cho biết: “Chúng tôi ly hôn vì vợ có thói quen tiêu xài quá tay, toàn mua sắm những thứ không cần thiết trong khi tôi quen tiết kiệm đó giờ. Cãi nhau hoài cũng chỉ vì chuyện này nên thôi, đường ai nấy đi cho bớt mệt mỏi”.
Áp lực về tài chính hoặc bất đồng trong cách chi tiêu dễ dẫn đến những cuộc cãi vã trong gia đình |
Ngoài những nguyên nhân kể trên, vấn đề chênh lệch thu nhập giữa vợ hoặc chồng, khiến người còn lại cảm thấy tự ti hoặc không có tiếng nói trong gia đình cũng dễ phát sinh xung đột. Ngoài ra câu chuyện “tiền anh, tiền tôi”, nghĩa vụ tài chính, báo hiếu với hai bên nội ngoại dẫn đến đổ vỡ hôn nhân cũng không phải hiếm.
Áp lực bên ngoài ngày một lớn
Sự biến động của nền kinh tế vĩ mô cùng những rủi ro như dịch bệnh, lạm phát, thất nghiệp… khiến “sức khỏe tài chính” của nhiều gia đình trẻ chịu ảnh hưởng lớn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam đã giảm 6,17% trong quý 3 năm 2021 (mức giảm sâu nhất kể từ khi nước ta công bố GDP theo quý), kéo theo hệ lụy là hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.
Điều trùng hợp là trong cùng khoảng thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19 kể trên, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết số lượng cuộc gọi của phụ nữ đến đường dây nóng của hội đã tăng 50%, nguyên nhân là vì bạo lực gia đình. Số lượng phụ nữ được hỗ trợ và giải cứu vào Ngôi nhà Bình yên tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo về ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhận định áp lực về bệnh tật, kinh tế đã khiến các vụ bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng. Xung đột gia đình thường kết thúc bằng lá đơn ly hôn mà người đệ đơn không ai khác ngoài phụ nữ.
Yếu tố lạm phát và áp lực chi phí sinh hoạt tại những thành phố lớn cũng là nguy cơ dễ dẫn đến khủng hoảng hôn nhân mà nhiều cặp đôi cần lưu ý. Việc thắt chặt chi tiêu quá mức dễ dẫn đến áp lực, căng thẳng từ phía “tay hòm chìa khóa” của gia đình. Nếu không có sự chia sẻ, cảm thông của bạn đời thì mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi.
Kinh tế của nhiều gia đình trẻ đang phải đối mặt với áp lực lớn từ sự lạm phát, dịch bệnh |
Bảo vệ hạnh phúc trước áp lực kinh tế
Tiền bạc vẫn luôn là câu chuyện nhạy cảm trong bất cứ mối quan hệ nào, bao gồm cả gia đình. Để kinh tế không còn là yếu tố gây áp lực hay xung đột trong gia đình là cả một hành trình nỗ lực, vun vén và thấu hiểu từ phía cả vợ lẫn chồng.
Chị Hồng Ngọc, một nhân viên văn phòng tại quận Bình Tân, TP.HCM chia sẻ: “Vợ chồng mình yêu nhau từ những ngày còn tay trắng nên hiểu tiền bạc quan trọng đến mức nào. Thế nên cả hai vợ chồng đã thỏa thuận với nhau là mọi chi tiêu từ lớn đến nhỏ đều phải bàn bạc, thống nhất, không mạnh ai nấy chi. Những lúc rảnh thì chồng cũng giúp mình trông con, làm việc nhà để mình tăng ca kiếm thêm thu nhập. Nhờ thế nhà mình chưa bao giờ rơi vào cảnh túng thiếu, cũng ít khi mượn nợ nên cũng đỡ cảnh to tiếng về chuyện tiền bạc với nhau”.
Cần có sự sẻ chia, thấu hiểu và vun vén về kinh tế từ cả hai để hạnh phúc gia đình bền lâu |
Tăng cường làm kinh tế, có thêm các công việc tay trái cũng được xem là cách hiệu quả để nâng cao “sức khỏe tài chính” cho gia đình. Khi công việc nhiều lên, các thành viên trong gia đình cần có ý thức chia sẻ, hỗ trợ việc nhà để mỗi người yên tâm làm việc. Đặc biệt, vai trò cân đối chi tiêu của “tay hòm chìa khóa” trong gia đình (thường là phụ nữ) cũng rất quan trọng. Những quyết định chi tiêu đúng đắn sẽ giúp kinh tế gia đình ổn định và giữ được hòa khí.
Trước những vấn đề nhạy cảm như việc người phụ nữ chiếm ưu thế về thu nhập trong gia đình, các bên cần có cách cư xử khéo léo, tôn trọng đối phương để giữ được hòa khí. Đàn ông không nên lấy việc thu nhập kém hơn làm lý do mặc cảm, tự ti. Phụ nữ cũng không nên so sánh, đánh giá thu nhập của chồng với người khác. Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy (Giám đốc Trung tâm tâm lý chuyên nghiệp Welink, Phụ trách ban đào tạo, hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TP.HCM (PESAH)) nhận định “Một gia đình mà cả hai vợ chồng có thể đồng cam cộng khổ hay có thể chia sẻ những trách nhiệm tài chính hay những chuyện khác là một gia đình có nhiều tiềm năng đạt hạnh phúc và an vui”.
Chương trình tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” 2022 nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021-2025 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bình luận (0)