Gia đình trẻ phải làm gì để tránh cãi nhau trong mùa dịch Covid-19?

07/11/2021 16:20 GMT+7

“Thấy vợ đi dép loẹt quẹt cũng kêu, đi nhấc cao chân thì bảo như đàn ông”, đó là chia sẻ của chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn về những vấn đề tâm lý trong gia đình khi bị giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.

Ngày 7.11, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Chương trình có sự tham gia của nhiều chuyên gia tâm lý, sức khỏe và các nhà quản lý thuộc Bộ VH-TT-DL, Bộ LĐ-TB-XH.

Dự và chủ trì diễn đàn có anh Nguyễn Hải Minh, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; anh Lê Trí Thông, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận.

Anh Nguyễn Hải Minh chủ trì diễn đàn

đăng hải

Cú sốc lớn của người trẻ

Tại diễn đàn, ông Khuất Văn Quý, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), cho biết giãn cách xã hội gây tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng, trong đó có phụ nữ, trẻ em.

“Sau gần 2 năm Covid-19 bùng phát, những ảnh hưởng để lại cho xã hội, nền kinh tế là vô cùng to lớn. Cuộc sống nhiều hộ gia đình bị đảo lộn, việc sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, nhiều công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp, không khí gia đình nặng nề, căng thẳng, phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp và có nguy cơ bạo lực gia đình tăng”, ông Quý nói.

Theo ông Quý, ở nước ta, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, một số nghiên cứu về tác động của Covid-19 đến bạo lực gia đình đã được thực hiện. Theo đó, phụ nữ và trẻ em được xác định là nạn nhân chính của bạo lực hoặc xâm hại trong gia đình. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Ngôi nhà Bình yên (của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã tiếp nhận gấp đôi số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng về bạo lực mỗi tháng.

TS Khuất Thu Hồng chia sẻ thông tin về những thách thức gia đình trẻ gặp phải trong mùa dịch

xuân tùng

Chia sẻ về những khó khăn mà các gia đình trẻ gặp phải trong mùa dịch Covid-19, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cho rằng dịch Covid-19 là một thảm họa đã mang đến cho người trẻ cú sốc lớn. Theo bà Hồng, các gia đình trẻ đối mặt với đầu tiên là thu nhập, gia đình trẻ làm sao duy trì cuộc sống khi mà thu nhập giảm vì chưa có tích lũy.

“Những cặp vợ chồng với 1 - 2 đứa con phải đối mặt với đại dịch, việc vượt qua nó rất khó khăn. Ngoài ra, tâm lý, tình cảm cũng rất quan trọng với người trẻ vì họ chưa phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống, khi gặp đại dịch là cú sốc lớn, làm sao để vượt qua đươc? Rõ ràng, việc đối mặt với cú sốc tâm lý, tinh thần là rất nghiêm trọng”, bà Hồng chia sẻ.

Theo bà Hồng, bạo lực gia đình gia tăng khi phải ở nhà với nhau 24/24 giờ thì không thể tránh khỏi va đập. Tuy nhiên, bà Hồng cho rằng đây cũng là cơ hội để các gia đình trẻ gắn kết và hiểu nhau hơn, để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Phải thay đổi nhận thức, tư duy

Chia sẻ về những giải pháp để vượt qua khó khăn của các gia đình trẻ, chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn (Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn tâm lý đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng) cho rằng điều đầu tiên là phải thay đổi nhận thức, tư duy.

Ông Đinh Đoàn nói: “Một trong những điều cần thay đổi đầu tiên là là thay đổi nhận thức, tư duy. Cần có tư duy tích cực, việc đầu tiên là ổn định tinh thần của mình. Cơn lũ cuốn trôi nhà cửa, nhưng sau đó để lại cho chúng ta lớp màu phù sa tốt tươi mùa màng. Sau đợt dịch, nhiều đợt giãn cách xã hội, giúp chúng ta sống bình lặng, sống chậm hơn, nhìn nhận giá trị thực tế, giá trị gia đình”, ông chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn chia sẻ thông tin tại diễn đàn "Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới"

xuân tùng

Theo ông Đinh Đoàn, bây giờ nơi ẩn nấp tốt nhất chính là gia đình. “Bước ra khỏi cửa là mất an toàn, nay ở nhà là an toàn. Chúng ta nhìn nhận rõ hơn giá trị của gia đình. Trong cái khó ló cái khôn, trước ăn tiêu bạt mạng, nay khó khăn buộc phải điều chỉnh. Ngày trước nhậu 2 lần/ngày, nay dịch, chồng ăn cơm ở nhà, vợ không ăn thịt cá nữa, ăn lạc rang muối vừng, người thanh thoát hẳn, nay giảm cân mà không cần phải cố gắng nhiều nữa... Ngày trước, chồng nói vợ không có việc, suốt ngày nhàn rỗi; nay ở nhà, thấy vợ từ sáng đến tối làm việc nhà, kèm con học online, dẹp loạn cũng hết hơi, nên cảm thông với vợ hơn”, ông Đinh Đoàn nêu ví dụ.

Theo ông Đoàn, mỗi gia đình phải “tự cứu mình” trước khi chờ đợi chính sách vĩ mô, phải thay đổi nhận thức, tư duy, thay đổi nếp sống, phải điều chỉnh thói quen sinh hoạt.

“Hãy nhìn nhận nó ở góc nhẹ nhàng, tích cực hơn. Thời gian này hãy tổ chức đời sống của chúng ta theo “thời chiến”, nếu khó khăn hãy kiên trì, chấp nhận. Hãy đảo góc nhìn, chúng ta sẽ thấy mọi sự nhẹ nhàng”, ông Đoàn nói.

Đặc biệt, ông Đoàn lý giải về những mâu thuẫn trong gia đình từ góc độ tâm lý. Ông nói: “Tình yêu là thứ buồn cười, bỏ đói là sống, no quá là chết. Trước cứ đi làm suốt ngày, nhớ nhau lắm, cuối tuần đưa nhau đi ăn, uống cà phê. Giờ suốt ngày ngồi ở nhà, mở mắt ra là nhìn thấy nhau, nhưng hình ảnh không đẹp vì ăn mặc tềnh toàng, mặt mộc, nhìn đã thấy chán đời. Thấy vợ đi dép loẹt quẹt cũng kêu, đi nhấc cao chân thì bảo như đàn ông. Không ưa thì dưa cũng có dòi, vợ làm gì cũng khiến mình bực bội, xuất phát từ trong lòng đã khó chịu rồi”, ông Đoàn chia sẻ.

Vì vậy, ông Đoàn tư vấn bí quyết để tránh cãi nhau trong gia đình là phải tạo cho nhau không gian riêng.

“Phải nhớ, tuy là không đi làm, con không đi học, nhưng tạo cho nhau không gian riêng, hãy thả lỏng nhau ra, đừng “soi” nhau quá. Cả nhà có một phòng vẫn thu xếp được, để mỗi người có một không gian riêng. Phải vào bàn làm việc. Hết việc nghĩ ra việc mà làm, làm thơ cũng được…”, ông nói.

Đừng chờ đợi

Bà Khuất Thu Hồng cũng đưa ra lời khuyên đối với những gia đình trẻ bị mất việc làm thì không nên chờ đợi để có công việc ổn định, mà hãy làm bất cứ việc gì có thể tạo ra thu nhập.

Một đại biểu đặt câu hỏi với chuyên gia tâm lý tại buổi giao lưu trực tuyến

xuân tùng

“Chúng ta đừng chờ đợi hết dịch mà phải sẵn sàng sống chung với dịch. Tôi thấy có nhiều gia đình trẻ làm những công việc không chính thức như tự sản xuất các mặt hàng ăn uống phục vụ khu dân cư. Họ có thu nhập khá thường xuyên. Ở khu nhà tôi có gia đình làm không xuể. Làm sao phải để “cái khó, ló cái khôn”, bà Hồng chia sẻ.

Theo bà Hồng, kể cả không có kinh doanh, thì người trẻ cũng phải tranh thủ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong thời điểm chưa thể triển khai công việc.

“Các bạn trẻ phải về quê sống ở nông thôn, đừng khoanh tay chờ đợi lúc nào trở lại công việc, mà hãy tạo ra công việc như chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ cha mẹ, làm cho chúng ta năng động, đầu óc chúng ta luôn suy nghĩ thì sẽ tìm ra giải pháp để thích ứng với trạng thái bình thường mới”, bà Hồng khuyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.