Tuy nhiên, tại vựa lúa ĐBSCL, giá gạo nguyên liệu lại có dấu hiệu hạ nhiệt do xuất khẩu chậm lại.
Gạo, bún, bánh tráng… cùng tăng giá
Khảo sát một số chợ truyền thống ở TP.HCM có thể thấy không chỉ gạo mà các mặt hàng liên quan tới gạo đều tăng giá.
Tại chợ gạo Trần Chánh Chiếu (Q.5), một số cửa hàng liên tục cập nhật bảng giá mới trên từng loại gạo. Anh Hùng, đại diện một vựa gạo, cho biết: Khoảng một tháng nay, giá liên tục tăng. Mỗi đợt nhập hàng giá lại tăng thêm vài trăm đồng một ký. Trong đó, các loại gạo rẻ tiền tăng nhiều, còn các loại gạo cao cấp tăng ít hơn. Tính khoảng một tháng qua, giá gạo bình quân cũng tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. "Chúng tôi nhập gạo trực tiếp từ nhà máy xay xát ở Tiền Giang nên được giá tốt và cũng kìm giá bán ra không để tăng quá cao để giữ mối", anh Hùng nói.
Đại diện vựa gạo Yến Phượng gần đó khẳng định giá tăng nhưng không có tình trạng thiếu nguồn cung. Các vựa ở đây muốn nhập bao nhiêu cũng có. Nhưng giá cao quá nên nhiều vựa không dám nhập số lượng lớn, sợ rủi ro vì sức mua cũng chậm chứ không tăng theo giá gạo.
Tại một số chợ truyền thống khác ở khu vực trung tâm, các tiểu thương nhận xét: Giá gạo tăng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng, nhất là những người thu nhập thấp, nhưng tác động không nhiều. "Vì bây giờ có mấy gia đình tiêu thụ hết 1 kg gạo/ngày, thường chỉ 1 - 2 lon sữa bò tương đương 200 - 300 gr/ngày. Thêm vào đó, hiện nay người dân có nhiều nguồn thông tin và biết rằng sẽ không có chuyện thiếu gạo ăn nên không có chuyện kéo nhau đi mua gạo dự trữ như hồi năm 2008", một tiểu thương nói.
Tại chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10), các sản phẩm làm từ gạo như: bún, hủ tiếu, bánh phở, bánh hỏi, bánh canh, bánh tráng đều đã mấy lần tăng giá. Nếu so với cách đây một tháng giá bình quân tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Cụ thể, giá bún thường là 15.000 - 17.000 đồng/kg, bún đóng gói có nhãn hiệu 22.000 - 25.000 đồng/kg.
Bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty DVTM Nguyễn Bính (TP.Thủ Đức), so sánh: Trước đây giá gạo nguyên liệu để làm bún chỉ có 9.800 đồng/kg, sau tết tăng lên gần 11.000 đồng/kg, đến giờ đã 16.000 - 17.000 đồng/kg, nhưng các đầu mối dự báo giá sẽ tiếp tục tăng. Đặc thù của nghề bún cần các loại gạo khô, nở chứ không dẻo như gạo nấu cơm. Hiện giá chẳng những cao mà rất khó mua vì các doanh nghiệp lớn gom hàng xuất khẩu. Vì giá cao nên gạo bị lẫn tấm nhiều hơn trước khiến bún làm ra không đạt năng suất. Bình thường 1 kg gạo làm ra được 1,8 - 2 kg bún tươi thì nay chỉ còn 1,6 - 1,7 kg bún tươi.
"Vì vậy giá chúng tôi bán lẻ cho các chợ truyền thống cũng buộc phải tăng 3.000 đồng/kg. Còn các đầu mối đã ký hợp đồng dài hạn như trường học, bếp ăn công nghiệp thì vẫn phải "gồng" giá. Kinh tế khó khăn, giá cả hàng hóa đều tăng khiến sức mua chậm lại và ngành bún cũng vậy", bà Bính than thở.
Đồng tình quan điểm trên, đại diện một doanh nghiệp khác bổ sung: Tình trạng hiện nay rất dễ khiến những cơ sở sản xuất trôi nổi, không nhãn hiệu tái chế bún bán ế bằng các hóa chất, phụ gia không đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng để trục lợi và cạnh tranh về giá. Chính vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Bún, phở tăng theo giá gạo: Nhiều chủ quán 'nhấp nhổm' vì phải cầm cự giữ giá
Thị trường nội địa chững lại
Tính đến cuối ngày 11.8, thông tin từ Hiệp hội Lương thực VN (VFA) và Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết: Giá gạo 5% tấm đang ở mức 650 USD/tấn còn gạo 25% tấm của VN là 618 USD/tấn và Thái Lan là 612 USD/tấn. Đây đều là những mức giá cao kỷ lục, ít nhất trong 15 năm qua kể từ đợt sốt giá gạo năm 2008. Giá gạo 5% tấm vượt 600 USD là điều mà nhiều chuyên gia đã dự báo từ khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Nhưng giá gạo 25% tấm cũng vượt ngưỡng 600 USD/tấn là điều khiến không ít người bất ngờ.
Giải thích về vấn đề này, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu gạo ở TP.HCM phân tích: Trong 5 - 10 năm gần đây, VN phát triển rất mạnh lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm sau gạo như bún, bánh phở, hủ tiếu và cả bánh tráng. Các sản phẩm này cần những loại gạo chứa nhiều tinh bột và giá rẻ. Đó là lý do vì sao những năm gần đây VN luôn nhập khẩu một lượng lớn gạo từ Ấn Độ, khoảng 500.000 - 700.000 tấn/năm. Nay nguồn nhập khẩu bị cắt đứt khiến các lĩnh vực này phải chuyển sang sử dụng gạo nội địa. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu gạo của Ấn Độ vốn quen với giá thấp, nay chuyển sang nguồn cung từ VN hay Thái Lan thì ưu tiên đầu tiên của họ cũng là giá. Vì thế, phân khúc gạo 25% tấm có tính cạnh tranh rất cao trong giai đoạn hiện nay và giá đã tăng mạnh.
"Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo không cùng phân khúc với gạo VN và Thái Lan. Chính vì vậy, chỉ có một số loại gạo rẻ tiền tăng giá mạnh, còn các loại gạo thơm, chất lượng cao tăng chậm. Đây là thực tế cần được xem xét cẩn thận ở góc độ cơ hội thị trường", một thương nhân ở TP.HCM nhận xét.
Đầu tuần này, lãnh đạo một số doanh nghiệp ở ĐBSCL cho biết giá lúa tăng tới 7.400 - 7.500 đồng/kg, còn gạo nguyên liệu làm ra gạo 5% tấm xuất khẩu trên mức 16.000 đồng/kg. Với giá nguyên liệu như vậy, đẩy giá gạo xuất khẩu lên tới 700 USD/tấn.
Đến cuối ngày 11.8, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng ở Tiền Giang, cập nhật: Giá lúa gạo quá cao, vượt ngưỡng chịu đựng nên nhà nhập khẩu tạm ngừng giao dịch. Cũng không doanh nghiệp nào dám mạo hiểm thu mua trữ hàng để đi chào giá. Vì vậy, gần như suốt tuần qua thị trường đình trệ và giá gạo nguyên liệu đã hạ nhiệt chỉ còn hơn 15.000 đồng/kg.
"Giá lúa gạo hạ nhiệt một phần vì hợp đồng cũ đã giao gần hết. Hợp đồng mới chưa ai dám ký. Với giá này thì rất khó ra hàng", ông Đôn cho biết. Một số thương nhân khác cũng xác nhận giá gạo quá cao không dám ký hợp đồng cũng như thu mua gạo.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo và bài toán thu nhập cho nông dân Ấn Độ
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, vào thời điểm này, mặt trái của lệnh cấm trên đã xuất hiện khi ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Reuters dẫn nguồn Hiệp hội Nông dân Ấn Độ (BKS) cho biết: Lệnh cấm xuất khẩu gạo được công bố ngày 20.7.2023 ngay giữa vụ gieo trồng đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người nông dân trồng lúa. Điều này có thể dẫn tới sản lượng lúa gạo của Ấn Độ giảm đến 5% trong năm nay. Khi giá gạo thế giới tăng nhưng nông dân Ấn Độ không được hưởng lợi cũng là một vấn đề đối với một nước xuất khẩu gạo đến 20 triệu tấn mỗi năm. Chính vì vậy, đại diện BKS kêu gọi chính quyền Ấn Độ phải tăng giá thu mua gạo cho nông dân. Hằng năm, chính quyền Ấn Độ có chương trình "Giá hỗ trợ tối thiểu" đối với các mặt hàng chủ lực như gạo và lúa mì để xây dựng kho dự trữ. Vào tháng 6 vừa qua, Ấn Độ đã tăng giá mua lúa thường vụ mới từ nông dân thêm 7%, lên mức 26,45 USD/100 kg.
Nông dân Ấn Độ thường trồng lúa vào tháng 6 - 7 và thu hoạch vào tháng 10. Vào thời điểm này, áp lực bảo đảm thu nhập cho người trồng lúa sẽ gia tăng với chính phủ Ấn Độ.
Bình luận (0)