Giá gạo lẻ giảm 5.000 đồng/kg
Đầu giờ chiều 17.2, vựa gạo Thanh Phong trên đường Tô Hiến Thành (Q.10) tranh thủ lúc vắng khách nhập kho lô hàng mới từ miền Tây đưa lên. Đây là một trong những vựa gạo lớn nhất khu vực chợ Hòa Hưng. Khi chúng tôi có mặt, đang có một vài khách lẻ đến mua. Ông Nguyễn Thanh Phong, chủ vựa gạo Thanh Phong, cho biết: Gạo ST25 đóng túi sẵn là một trong những mặt hàng giá trị cao nhất thị trường, hiện chỉ còn 26.000 đồng/kg; so với trước tết giảm đến 5.000 đồng/kg và cũng là mặt hàng giảm giá mạnh nhất trong thời gian qua. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá còn giảm mạnh hơn. Các loại gạo khác giảm bình quân từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, gạo thông dụng giảm ít nhất là 2.000 đồng/kg.

Giá gạo bán lẻ giảm mạnh, có loại giảm đến 5.000 đồng/kg so với trước Tết Nguyên đán
ẢNH: CHÍ NHÂN
"Từ sau tết đến nay, giá gạo liên tục giảm, nếu mình không giảm theo sẽ mất mối hết. Dù giá giảm nhưng từ sau tết đến nay tiêu thụ rất chậm, chỉ khoảng 40 - 50% so với lúc bình thường vì nhiều người đã mua trước tết một lượng lớn. Trước đây có nhiều người hay mua gạo phát từ thiện trong tháng giêng nhưng bây giờ cũng ít. Thường thì phải sau tháng giêng (âm lịch), sức tiêu thụ gạo mới trở lại như cũ. Có thể là từ mức này giá gạo sẽ tăng trở lại vì hiện đã giảm hết mức rồi, không thể xuống được nữa", ông Phong nhận định.
Nhìn vào bảng niêm yết giá tại vựa gạo Thanh Phong, có thể thấy sản phẩm giá trị cao nhất là gạo ST25 đặc sản lúa tôm có giá 27.000 đồng. Giá các loại gạo khác phổ biến từ 17.000 - 21.500 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ 14.000 đồng/kg. So sánh với trước Tết Nguyên đán, giá gạo đã giảm khá mạnh. Cụ thể khi đó, giá gạo phổ biến từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; gạo thơm, đặc sản có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, ngay cả gạo thông dụng mà nhiều người thường mua để đi phát từ thiện cũng có giá đến 18.000 đồng/kg.
Chị Ngọc, chủ vựa gạo Ngọc Tuấn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), cho hay: Năm ngoái, sau tết giá gạo tăng; còn năm nay thì ngược lại. Hiện tại, các loại gạo đặc sản, gạo thơm vẫn giữ giá ổn định; nhưng có một số loại gạo trắng thông dụng, các kho chào giá thấp hơn thời điểm cuối năm ngoái từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Chẳng hạn ST25 giá 30.000 đồng/kg, ST24 là 24.000 đồng/kg, ST21 ở mức 22.000 đồng/kg, thơm Thái 18.000 đồng/kg, Jasmine 19.000 đồng/kg, Tài nguyên 21.000 đồng/kg, tấm Tài nguyên 17.000 đồng/kg, Hàm châu 19.000 đồng/kg... Giá gạo trắng thông dụng khoảng 15.000 đồng/kg - giảm 2.000 đồng/kg.
Tại chợ gạo Trần Chánh Chiếu (Q.5), ông Lộc, chủ vựa gạo Yến Phượng, chỉ vào bảng giá gạo, nói: Trước đây để bảng giá bằng mica và in số rõ ràng, nhưng gần đây phải sửa lại bảng giấy và viết bằng bút lông vì phải thay đổi giá liên tục để sát với thị trường. "Có những lúc hàng trong kho còn, nhưng giá đầu vào giảm, tôi sẽ ngưng bán lô hàng đó mà nhập hàng mới về bán giá mới; đợi khi nào giá thị trường lên mức cũ thì quay lại bán lô hàng giá cao đang dang dở. Phải bám sát thị trường thì mới giữ được khách hàng", ông Lộc chia sẻ bài toán chống lỗ khi giá giảm.

Giải thích về hiện tượng một số nơi vẫn giữ giá gạo bán lẻ ở mức cao, các vựa gạo cho rằng do trước tết nhiều người trữ hàng số lượng lớn vì sợ giá tăng như năm trước. Nhưng năm nay sau tết giá giảm mạnh, những vựa trên đang cố bán cho hết hàng tồn mới nhập hàng mới về nên hiện chưa giảm được giá. Nhưng xu hướng này đang giảm dần vì thị trường bán lẻ ở TP.HCM cũng giảm mạnh theo các kho ở miền Tây.
Nhu cầu đang tăng
Cú lao dốc của giá gạo hiện đã chạm đáy, còn chưa tới 400 USD/tấn và cũng là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, thị trường gạo thời gian qua đang là cuộc "đấu tranh tâm lý" giữa người mua và bán. Cuộc đấu tranh này chỉ mang tính thời điểm ngắn hạn vì nhu cầu thực tế của các nước nhập khẩu rất lớn. Riêng Philippines bình quân mỗi tháng phải nhập khẩu đến 350.000 tấn gạo mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Thêm vào đó là sự quay lại thị trường của "gã khổng lồ" Trung Quốc.
"Giai đoạn này sẽ qua nhanh và giá gạo sẽ sớm tăng trở lại, tuy không cao như năm ngoái nhưng ít nhất cũng sẽ trong khoảng từ 435 - 450 USD/tấn với loại gạo thông dụng 5% tấm. Và các loại gạo thơm, chất lượng cao, gạo đặc sản vẫn sẽ tiêu thụ tốt. Do vậy, đây là thời điểm "quá ngon" để các doanh nghiệp gạo VN tích cực mua vào và dự trữ hàng để phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới. Dĩ nhiên đó là với trường hợp các doanh nghiệp cần có nguồn lực về tài chính và hệ thống kho trữ đủ tốt", ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo VN (Vinarice), nói.
Bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice New, nhận định: Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm 2025 vẫn là Philippines, khách hàng chủ lực của VN. Tuy nước này thời gian gần đây đang có nhiều nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung từ Thái Lan, Campuchia và cả Ấn Độ; nhưng dù gì họ cũng sẽ quay lại với nguồn cung từ VN. Bởi thị trường gạo của Philippines nhiều năm qua do tư nhân vận hành. Hoạt động của họ có sự nhịp nhàng và ăn ý với thương nhân VN mà ít thị trường nào có được. Ví dụ như vừa qua, có một số hợp đồng họ hoãn nhận hàng khi giá giảm và ngược lại. "Đó là lý do vì sao tôi tin rằng Philippines có nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nhưng gạo VN vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng. Đó là chưa kể yếu tố thị hiếu của người tiêu dùng với hạt gạo VN", bà Hương khẳng định.
Đồng quan điểm, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, phân tích: Philippines không có lợi thế trong hoạt động sản xuất gạo trong khi phải lo cho 120 triệu miệng ăn. Indonesia dân số còn đông hơn đáng kể, và an ninh lương thực là vấn đề không hề nhỏ với 2 nước này. Sau những tuyên bố mang tính chính trị thì Indonesia cũng đang bắt đầu quay lại thị trường nhập khẩu gạo, và Philippines cũng sẽ như thế.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2024 Indonesia nhập khẩu đến 4,6 triệu tấn gạo, nhiều hơn công bố chính thức của nước này 1 triệu tấn và chỉ ít hơn Philippines - nước dẫn đầu - là 4,9 triệu tấn. Những con số này cho thấy dù 2 nước này muốn tự chủ, hạn chế hoặc kìm giá gạo nhập khẩu là điều rất khó. Cũng theo USDA, từ cuối tháng 9.2024, khi Ấn Độ mở kho gạo đẩy giá trên thị trường châu Á lao dốc thì Trung Quốc ngay lập tức tận dụng cơ hội tăng nhập khẩu theo "cấp số nhân". Nguồn cung gạo cho Trung Quốc đến từ Thái Lan và VN chứ không phải khách hàng quen thuộc là Ấn Độ như trước. Với diễn biến này, giá gạo xuất khẩu sẽ sớm tăng trở lại.
Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2024, Trung Quốc tăng nhập thêm 225.000 tấn gạo để đạt khối lượng nhập khẩu cả năm là 1,62 triệu tấn. Dự kiến năm 2025, Trung Quốc tiếp tục tăng nhập khẩu gạo và sẽ đạt 2,2 triệu tấn. Giá gạo nội địa của Trung Quốc hiện cao hơn gạo cùng phẩm cấp của VN và Thái Lan khoảng 150 - 160 USD/tấn, và các thương nhân nước này không thể bỏ qua khoản lợi béo bở để mua gạo Việt.
Bình luận (0)