Cụ thể, nguyên nhân sau việc tăng giá gạo là do gia tăng lo ngại về nguồn cung lương thực toàn cầu trong bối cảnh thời tiết khô hạn đe dọa sản lượng ở Thái Lan cũng như quyết định hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ.
Giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm, tiêu chuẩn châu Á, đã tăng lên 648 USD/tấn (15,4 triệu đồng/tấn), theo dữ liệu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan.
Là loại lương thực chủ chốt, việc tăng giá gạo có thể gây thêm áp lực lạm phát và tăng chi phí cho người mua.
Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã tạm dừng xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào ngày 20.7, cho biết động thái này nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa và kiềm chế giá gạo tăng cao do mất mùa, theo trang Asia New Network. Vào năm 2022, quốc gia Nam Á đã xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn gạo, tương đương khoảng 40% lượng gạo toàn cầu.
Bên cạnh cầu vượt cung, sự tăng giá gạo đang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm thiên tai. Hiện tượng thời tiết cực đoan không thể đoán trước ở một số quốc gia sản xuất lúa gạo đã dẫn đến sản lượng giảm, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung.
Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá gạo của FAO đã chứng kiến mức tăng 2,8% trong tháng 7 so với tháng trước, với giá trị trung bình là 129,7 điểm. Điều này phản ánh mức tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ năm trước và đánh dấu mức tăng cao nhất được quan sát kể từ tháng 9.2011.
Bình luận (0)