Theo cập nhật của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan giảm 5 USD xuống còn 610 USD/tấn. Ngược lại, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng đến 13 USD lên 597 USD/tấn. Tương tự, gạo cùng phẩm cấp của Pakistan tăng 4 USD lên 603 USD/tấn.
Tương tự, các loại gạo 25% tấm và 100% tấm của Thái Lan giảm 4 - 5 USD/tấn còn gạo Việt Nam tăng tương ứng 5 và 3 USD/tấn.
Giải thích về xu hướng này, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết: Từ đầu tháng 3 đến nay, lượng lúa gạo hàng hóa của Việt Nam tương đối dồi dào nên giá giảm. Nhờ vậy, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới tăng, đặc biệt so với gạo Thái Lan. Đó là lý do vì sao vào thời điểm này gạo Thái Lan giảm giá, trong khi gạo Việt tăng.
Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã tranh thủ để thu mua dự trữ. Hiện tại, đợt thu hoạch lúa đông xuân chính vụ dần kết thúc và sản lượng bắt đầu giảm nên giá tăng trở lại. Do giá không có xu hướng giảm thêm nên các nhà nhập khẩu bắt đầu tích cực thu mua trở lại.
Cụ thể, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines năm nay dự kiến nhập khẩu đến 4,1 triệu tấn gạo, tăng khoảng 600.000 tấn so với lượng gạo nhập khẩu năm 2023. Philippines chủ yếu nhập khẩu gạo theo kênh thương mại thông thường và từ đầu năm đến nay đã cấp hơn 1.000 giấy phép nhập khẩu gạo cho các thương nhân.
Bên cạnh Philippines, Indonesia đang trở thành nhà mua gạo tích cực nhất trên thị trường từ đầu năm đến nay. Ngày 18.3, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố mời thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo 5% tấm. Thời gian giao hàng muộn nhất vào cuối tháng 6 năm nay. Dự kiến, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á sẽ nhập khẩu đến 3,6 triệu tấn gạo trong năm 2024 nhằm đảm bảo vấn đề an ninh lương thực. Với lượng gạo nhập khẩu nêu trên, Indonesia cũng trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Philippines.
Trong một diễn biến có liên quan, báo chí Indonesia cho biết: Các ngân hàng nhà nước Indonesia sẽ cung cấp các khoản vay được chính phủ trợ cấp cho các công ty thu mua lương thực, thực phẩm. Chính phủ Indonesia chuẩn bị tổng cộng 28,7 nghìn tỉ rupiah (tương đương khoảng 1,84 tỉ USD) cho mục tiêu thu mua và nhập khẩu lương thực trong năm nay. Đến thời điểm này, có 6.000 tỉ rupiah, tương đương gần 1/5, gói tín dụng đã được rút.
Bình luận (0)