Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất thế giới

24/03/2023 06:19 GMT+7

Giá gạo VN đang dẫn đầu trên thị trường quốc tế trong suốt nhiều tháng nay và dự báo kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt 4 tỉ USD. Gạo chính là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu những tháng đầu năm 2023.

Vào vụ nhưng không rớt giá

Cách đây hơn 1 tháng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã dự đoán giá lúa gạo sẽ rớt khi vào chính vụ thu hoạch lúa đông xuân. Đây cũng là diễn biến thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, bất ngờ là ở vụ thu hoạch đông xuân năm nay, giá lúa không những không giảm mà lại đang nhích lên. Sáng 23.3, giá lúa tại ĐBSCL đã được các thương lái điều chỉnh tăng từ 50 - 100 đồng/kg. Giá lúa đang tăng với mặt hàng lúa Đài thơm 8 và IR 504. 

Cụ thể, tại kho An Giang, Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.700 - 6.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa IR 504 tăng 50 đồng/kg lên mức 6.200 - 6.350 đồng/kg. Nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL bước vào cao điểm thu hoạch, giao dịch lúa mới hết sức sôi động. Theo các thương lái, lượng gạo về nhiều nhưng giá lúa gạo ít biến động, thậm chí đang tăng lên do nhu cầu vận chuyển ra phía bắc tăng mạnh.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất thế giới - Ảnh 1.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Tiền Giang

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của VN hiện vẫn đang ở mức cao. Giá gạo 5% tấm đang ở mức 448 USD/tấn; gạo 25% tấm duy trì ở mức 428 USD/tấn. Báo cáo Chính phủ, Bộ Công thương cho biết, liên tiếp từ tháng 8.2022 đến nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN luôn ở mức cao nhất thế giới, vượt Thái Lan 15 - 27 USD/tấn và Ấn Độ 40 - 50 USD/tấn.

Xuất khẩu gạo được nhận định sẽ sôi động hơn trong những tháng tới do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch đông xuân, trong khi nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Trung Quốc… đang tăng lên. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phước Thành IV, thông tin: "Đến thời điểm này, vụ lúa đông xuân đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích. So với vụ trước, lượng lúa hàng hóa dồi dào, giá lúa có giảm một chút so với thời điểm sau Tết Nguyên đán nhưng nhìn chung vẫn ổn định".

Theo ông Nguyễn Văn Thành, thị trường Philippines rất chuộng các loại gạo OM18, OM5451 và DT8. Giá các loại gạo này đang dao động từ 480 - 500 USD/tấn tùy theo chủng loại và tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc lại chuộng dòng gạo ST; vụ đông xuân năm nay, bà con trồng lúa ST25 tương đối nhiều. Hiện có nhiều khách Trung Quốc tìm mua gạo ST25.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất thế giới - Ảnh 2.

Xuất khẩu gạo thuận lợi ngay từ đầu năm, hướng đến kim ngạch 4 tỉ USD

THANH PHONG

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tính chung 2 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã tăng 9,8% so với cùng kỳ, đạt trung bình 529 USD/tấn. Năm ngoái xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn, cao nhất 10 năm trở lại đây. Đà tăng giá xuất khẩu gạo của VN vẫn duy trì trong hai tháng đầu năm 2023, với mức bình quân hơn 519 USD/tấn. Vì thế, sản lượng xuất khẩu gạo giảm trên 20% trong tháng đầu năm nhưng vẫn tăng xấp xỉ 7% về giá.

Chất lượng gạo xuất khẩu của VN ngày càng được nâng cao, hầu hết các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ VN... Hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của các DN trong nước sẽ diễn ra thuận lợi, doanh thu tăng khoảng 30% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN


Sự trở lại của khách hàng Trung Quốc

Giải thích việc ngành gạo bước vào thời điểm thu hoạch rộ nhưng giá lúa vẫn giữ được mức ổn định, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, nhận định: "Nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý 1 - 2/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực. Dự báo, hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của VN được hỗ trợ bởi các yếu tố: ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt; Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng".

Ông Nguyễn Ngọc Nam cũng khẳng định: "Chất lượng gạo xuất khẩu của VN ngày càng được nâng cao, hầu hết các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ VN. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Úc và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội cho DN Việt gia tăng xuất khẩu gạo khi người tiêu dùng đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của VN. Trên cơ sở này, hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của các DN trong nước sẽ diễn ra thuận lợi, doanh thu tăng khoảng 30% so với năm 2022".

Giá gạo Việt vẫn giữ ngôi vương khi giá thế giới lao dốc

Ở một góc nhìn khác, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), bổ sung: "Việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các DN xuất khẩu gạo. Ngay từ cách đây 1 tháng, chúng tôi đã dự báo Trung Quốc mở cửa trở lại có khả năng hút hàng, sẽ có những hợp đồng lớn. Và hiện nay diễn biến đang đúng như dự báo". Ông Chinh cũng khuyến cáo: "Năm nay tình hình xuất khẩu gạo thuận lợi, VFA và các DN xuất khẩu gạo cần theo sát tín hiệu từ các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. DN cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA)". Dự báo, năm 2023 xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có thể đạt 1 triệu tấn.

Nói đến sự thăng hoa của gạo mấy năm trở lại đây không thể thiếu thị trường EU, ông Nguyễn Văn Nhật, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật, nhận định: "Theo Hiệp định thương mại tự do EU - VN (EVFTA), VN được cấp hạn ngạch xuất khẩu vào EU 80.000 tấn gạo/năm, trong đó gồm 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 tấn gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 euro/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho DN nhập khẩu. Do đó, các DN nên tìm cách gia tăng sản lượng chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế".

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất thế giới - Ảnh 4.

Cùng với hoạt động xuất khẩu gạo sôi động, người trồng lúa cũng đã có lãi

CÔNG HÂN

Có thể thấy, các thị trường tiêu thụ lúa gạo của VN đang có nhiều diễn biến thuận lợi. Đối với thị trường Bangladesh, quốc gia này đã đồng ý gia hạn biên bản ghi nhớ về thương mại gạo với VN thêm 5 năm. Động thái này sẽ tạo thêm cơ hội để gạo Việt thâm nhập thị trường Bangladesh ổn định trong thời gian tới.

Riêng Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của VN, mới đây chính phủ nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35%. Việc duy trì chính sách giảm thuế nhập khẩu của Philippines sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo VN trong năm 2023 cũng như đảm bảo tính ổn định của thị trường. Ấn Độ, nước sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới, cũng đang áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Một nước xuất khẩu gạo quan trọng là Pakistan cũng vừa trải qua trận lũ lịch sử làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn cung.

Bộ Thương mại Mỹ dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm nay đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2019 - 2020 và là lần đầu tiên nguồn cung gạo toàn cầu giảm kể từ năm 2004 - 2005. Đây là một trong những yếu tố giúp thúc đẩy xuất khẩu gạo VN sôi động và giữ được giá cao.

Nông dân đã có lãi

Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu năm 2023 ước đạt trên 13 triệu tấn, tương đương 6,6 - 7 triệu tấn gạo. Cơ cấu nhóm gạo xuất khẩu gồm: gạo chất lượng cao đạt 3 triệu tấn; gạo thơm, đặc sản đạt hơn 2 triệu tấn; số còn lại thuộc nhóm gạo chất lượng trung bình và nếp. Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đánh giá, năm 2023 cùng với nền tảng là giá tốt thì xuất khẩu gạo VN đang có nhiều triển vọng tăng trưởng mạnh. Nhất là khi những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết khiến các quốc gia tăng cường nhu cầu dự trữ lương thực. Năm 2023, Bộ Công thương cũng dự báo xuất khẩu gạo VN đạt khoảng 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỉ USD.

Nhận định xuất khẩu gạo năm nay thuận lợi, tuy vậy Bộ Công thương nhìn nhận vẫn còn nhiều thách thức tiềm ẩn cho xuất khẩu gạo. Thị trường tiêu thụ lúa gạo chính vẫn là châu Á và châu Phi, trong đó xuất khẩu gạo phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines. Cùng với đó, chi phí sản xuất tăng do giá vật tư nông nghiệp đầu vào leo thang, đẩy giá thành thu mua lúa, gạo hàng hóa lên cao. Thực tế này gây áp lực cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong khi giá chào xuất khẩu tăng chưa nhiều. Đồng thời, giá cước vận tải quốc tế giảm so với thời điểm 2021 nhưng vẫn ở mức cao, nhất là từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, với tình hình giá lúa ở mức khá và chi phí sản xuất đã giảm xuống, giá phân bón giảm hơn 50% so với thời điểm cùng kỳ năm trước, đã giúp người trồng lúa dễ thở hơn. Theo Bộ Công thương, giá thành sản xuất lúa bình quân mà Bộ Tài chính công bố là 3.219 đồng/kg. Song mức giá lúa trên thị trường là 6.650 đồng/kg. Mức giá này giúp người nông dân có lợi nhuận trên 100%. Nhiều DN phản hồi, mặc dù con số này chưa thật sự chính xác nhưng thực tế nông dân cũng đã có lãi và đỡ vất vả hơn năm trước.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu, Bộ Công thương cho biết sẽ trao đổi để EU bổ sung gạo thơm vào danh mục xuất sang thị trường này; đa dạng và mở rộng thị trường qua các kênh xúc tiến thương mại. Bộ này cũng đề nghị phía ngân hàng linh hoạt, mở thêm hình thức tín chấp, thay vì thế chấp tài sản, với các thương nhân xuất khẩu uy tín để họ có thêm vốn thu mua lúa, gạo chế biến hàng xuất khẩu vào thời điểm chính vụ thu hoạch.

Ngày càng nhiều DN xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá tốt

Trên thị trường thế giới, gạo VN đã đa dạng về chất lượng, DN rất năng động, tiếp cận nhanh nhu cầu, nhiều DN xuất khẩu gạo chất lượng cao với giá tốt. Chúng ta đang có lợi thế lớn về các FTA mà Thái Lan hay Ấn Độ không có được. Tuy vậy, thị trường khó tính thì số lượng tiêu thụ không nhiều, trong khi Thái Lan đã đi trước tiếp cận so với VN. Nếu xem gạo là sản phẩm chủ lực nông nghiệp và tạo giá trị cao thì cần chương trình quảng bá ở cấp quốc gia đúng nghĩa. Cùng với đó, chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chế tài kịp thời về tác quyền sẽ giúp tình trạng "gạo giả" không còn tồn tại, khi đó hạt gạo Việt sẽ được ổn định và phát triển như những sản phẩm giá trị cao khác.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ

Dư địa tăng xuất khẩu vẫn lớn

Mỗi năm VN sản xuất từ 22 - 23 triệu tấn gạo, trong đó xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%. Vì vậy, dư địa để gia tăng sản lượng xuất khẩu là khá lớn. Đặc biệt, với việc sản xuất hơn 80% dòng gạo thơm, gạo chất lượng cao đang mở ra cơ hội để ngành hàng này phát triển và vươn xa. Thực tế đã chứng minh, trong năm 2022 với muôn vàn khó khăn, ngành lúa gạo vẫn luôn giữ được đà tăng trưởng tốt. Đặc biệt, xuất khẩu gạo đang tăng cả về giá và số lượng, thậm chí có những thời điểm, gạo của VN có giá trị cao hàng đầu thế giới. Kết quả này đã thể hiện hướng đi đúng trong việc chuyển hướng tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao của ngành nông nghiệp.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)

Nhiều loại gạo chất lượng cao của VN giá tăng đột biến

Xu hướng giảm về sản lượng, tăng về chất lượng tiếp tục sẽ là xu hướng chủ đạo trong năm 2023 và nhiều năm sau của ngành nông nghiệp. Điều này lý giải một phần vì sao giá gạo VN luôn neo ở mức cao trong thời gian gần đây. Đặc biệt, giá một số loại gạo có thương hiệu nổi tiếng như ST24, ST25 đã tăng đột biến lên trên 1.200 USD/tấn.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.