Nghi vấn làm giá
Đầu tuần này, ở một vài tỉnh phía bắc, giá heo hơi đã lên mức 52.000 đồng/kg; trong khi tại Đồng Nai, vùng chăn nuôi heo trọng điểm của cả nước, giá dao động quanh mốc 46.000 - 47.000 đồng/kg. Tại khu vực Hóc Môn, Củ Chi (TP.HCM) và nhiều tỉnh ĐBSCL, giá heo lên tới 49.000 - 50.000 đồng. Trong những ngày đầu tháng 4, giá heo hơi tăng từng ngày, có ngày đến 2 - 3 giá (một giá tương đương 1.000 đồng/kg).
Mức giá này đã tăng khá mạnh so với cách đây gần 2 tháng. Thời điểm ngày 10.4, giá heo hơi tại Đồng Nai chỉ 37.000 - 38.000 đồng/kg, nhưng cũng tăng đến khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg so với mặt bằng giá của tháng 3. Giá tăng được khoảng 4 tuần (tính từ tháng 3) đến nửa cuối tháng 4 thì chững lại, đầu tháng 5 lại tiếp tục tăng và đạt mức giá như hiện nay. Ở mức này, giá heo hơi cao hơn cùng kỳ năm ngoái trung bình khoảng 20.000 đồng/kg, đẩy mặt bằng giá heo hơi của VN cao hơn so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc giá chỉ khoảng 35.000 - 36.000 đồng/kg.
tin liên quan
Giá heo hơi cán mốc 45.000 đồng/kgGiải thích hiện tượng hình thành mặt bằng giá heo ở VN hiện nay, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho hay Công ty CP đưa ra giá “bắt” (mua) heo tăng, thương lái dựa vào giá đó "bắt heo" của bà con và hình thành giá chung của thị trường. Thời gian đầu cũng có nghi vấn doanh nghiệp (DN) làm giá, nhưng giá tăng kéo dài khoảng 2 tháng qua thì lý do DN đưa ra về mất cân đối cung - cầu có vẻ đúng. “DN giải thích họ tăng giá một số sản phẩm thịt heo bán ra thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận nên vẫn tiếp tục tăng”, ông Đoán giải thích thêm.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho rằng giá heo tăng thời gian qua là do mất cân đối cung - cầu tại thời điểm “giáp mối” giữa lúc nguồn cung dư với nguồn cung thiếu hụt. Các DN chăn nuôi có trách nhiệm với ngành, không có chuyện làm giá gây tăng ảo. “Tôi cho rằng trục 45.000 đồng/kg là vừa đẹp. Nếu tăng nữa, trước mắt heo từ các nước lân cận, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tràn sang. Thứ hai, người chăn nuôi sẽ ào ạt tăng đàn và lại rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa trong thời gian tới”, ông Dương nói.
Nghịch lý giá cao, lời thấp
Ông Văn Đức Mười, nguyên Tổng giám đốc Công ty Vissan, người có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành kinh doanh thịt heo, thừa nhận việc “làm giá” heo hơi là chuyện rất bình thường trong giới, thậm chí được coi như lẽ sống của các DN và tạo nên một liên minh không hình ảnh do những nhà chăn nuôi lớn, chăn nuôi công nghiệp có sản lượng heo thịt dẫn dắt. Cuộc chơi này trước đây chúng ta thường thấy trong các dịp lễ tết hay thông tin heo xuất đi Trung Quốc… Họ cố tình tạo ra sự mất cân đối cung - cầu giả tạo, tạo ra sự khan hiếm vừa đủ để trục lợi. Đó cũng là lúc hình thành mặt bằng giá mới, giá chỉ có lên mà không giảm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ông Mười dẫn chứng, một công ty lớn hàng đầu ở VN hiện nay có tổng đàn heo thịt khoảng 3 triệu con rải khắp nước, chiếm đến 8% tổng đàn heo thịt của cả nước; đàn heo nái của họ đến 200.000 con; năng suất chăn nuôi từ 25 - 30 con heo giống/năm/nái. Trong khi đó, các trang trại của VN đàn heo giống nhiều lắm cũng chỉ 5.000 - 10.000 con và năng suất trung bình chỉ có 21 con/năm. Ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, DN ngoại chiếm đến 60 - 70% sản lượng của toàn thị trường. Vì thế, ngành chăn nuôi nói chung và heo nói riêng phụ thuộc rất lớn vào các DN nước ngoài.
Giá heo tăng cao nhưng tình trạng chung của những hộ chăn nuôi, trang trại nhỏ lẻ là không có heo để bán khi giá tăng.
Với những người có heo để bán thì cũng chưa hẳn đã có lời. Ông Đoán dẫn chứng: Ngay mới đầu tuần này (28.5), giá thức ăn đã tăng đến lần thứ 5 kể từ đầu năm 2018 đến nay, lần này tăng 10.000 đồng/bao; những lần trước có khi 5.000 - 10.000 đồng/lần. Chưa kể lúc trước khủng hoảng thừa, nhiều hộ phải giảm đàn heo nái. Chỉ có DN ngoại là hốt trọn, từ đàn heo thịt, heo giống, thức ăn chăn nuôi đều trong tay họ. “Đây chỉ còn là cuộc chơi của các đại gia”, ông Đoán chua chát.
Bình luận (0)