Theo khảo sát ngày 27.9, hiện nay, các địa phương bao gồm Bắc Giang, Hưng Yên và Thái Bình cùng giao dịch heo hơi ở mức 57.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg. Heo hơi tại Vĩnh Phúc và Ninh Bình cùng được giao dịch ở mức 56.000 đồng/kg, tỉnh Yên Bái giao dịch ở mức 55.000 đồng/kg. Giá heo hơi tại miền Bắc trong khoảng 55.000 - 57.000 đồng/kg. Giá heo hơi của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam tại miền Bắc cũng giảm 1.000 đồng, xuống còn 56.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi khu vực miền Trung - Tây nguyên tương đối ổn định. Theo đó, 54.000 đồng/kg là mức giao dịch được ghi nhận tại Đắk Lắk, giảm một giá. Các địa phương còn lại thu mua heo hơi với giá từ 55.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam giảm rải rác 1.000 đồng/kg ở một số địa phương. Trong đó, Bến Tre hạ một giá còn 54.000 đồng/kg. Vĩnh Long và Sóc Trăng cùng giao dịch ở mức 55.000 đồng/kg sau khi giảm 1.000 đồng/kg. Thương lái tại Kiên Giang thu mua với giá 56.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng. Các tỉnh, thành khác giao dịch ổn định so với hôm qua.
Theo Bộ NN-PTNT, kết quả của ngành chăn nuôi trong 9 tháng đầu năm mặc dù chịu nhiều áp lực về giá thức ăn chăn nuôi, giá sản phẩm chăn nuôi thiếu ổn định và áp lực cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu, nhập lậu… nhưng đàn vật nuôi vẫn được duy trì ổn định; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt hơn; giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ chăn nuôi đã giảm (giá thức ăn chăn nuôi đã được điều chỉnh giảm 4 lần). So với cùng kỳ năm 2022, trừ đàn trâu giảm khoảng 1% (duy trì thường xuyên 2,2 triệu con), còn các loại vật nuôi khác đều có xu hướng tăng. Cụ thể, tổng đàn bò cả nước có 6,4 triệu con, đàn heo hơn 24,8 triệu con, đàn gia cầm hơn 533 triệu con.
Bên cạnh đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, 8 tháng đầu năm 2023, giá trị sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu đạt 324,8 triệu USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi giá trị sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu giảm 8,9%. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: còn tình trạng nhập lậu và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc; chưa chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào; liên kết, tổ chức sản xuất trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị (từ trang trại đến bàn ăn) chưa được thực hiện đồng bộ. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, mặc dù tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian qua tương đối nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, chưa bảo đảm công bằng về lợi ích giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị chăn nuôi, đặc biệt là lợi nhuận người chăn nuôi và lợi ích người tiêu dùng.
Bình luận (0)