Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Gia Lai có diện tích đất tự nhiên gần 16.000 km2, là tỉnh lớn thứ 2 của cả nước, có khí hậu mát mẻ "như một máy lạnh tự nhiên khổng lồ" chia làm 2 vùng, Tây Trường Sơn và Đông Trường Sơn, bên nắng, bên mưa nên có đủ nguyên liệu phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất quanh năm.
Trong quy hoạch chung đã được phê duyệt thì tỉnh dành trên 850.000 ha đất để sản xuất nông nghiệp, bằng đất sản xuất nông nghiệp của 5 tỉnh miền Trung cộng lại. Đặc biệt, đất ở đây là đất đỏ bazan màu mỡ và đất sạch không bị ô nhiễm. Do có khí hậu tốt nên nền nông nghiệp Gia Lai đạt 35.000 tỉ đồng, hiệu quả tương đối cao so với các tỉnh thành khác. Hiện tỉnh đang phấn đấu doanh thu trong nông nghiệp sẽ tăng lên 2 tỉ USD/năm.
Tuy nhiên, theo ông Lưu Trung Nghĩa, Gia Lai cũng có điểm yếu là năng suất lao động chưa cao, giá trị trên một đơn vị diện tích cũng không cao, nhà máy chế biến và doanh nghiệp lớn chưa nhiều. Hiện nay, riêng ngành chăn nuôi chỉ chiếm 19% do không có biển nên không nuôi trồng thủy hải sản, trong khi bình quân cả nước con số này là hơn 50%.
Thấy được tiềm năng và điểm yếu của mình nên thời gian vừa qua có sự dịch chuyển, tranh thủ được cơ hội và "né" được các vấn đề mà các tỉnh khác đi trước đã gặp phải là an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Ngành chăn nuôi còn nhiều không gian và dư địa phát triển có thể mang lại giá trị vô cùng to lớn.
Hiện nay, quy hoạch tỉnh Gia Lai thành cao nguyên sinh thái, thể thao, sức khỏe. Phát triển kinh tế xanh, sinh thái sạch, ứng dụng công nghệ cao. Tinh thần là hình thành các khu, vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nên làm sao cần đưa ra một trần, khung pháp lý để các địa phương làm cơ sở kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời cũng có chính sách ưu đãi về công nghệ, thuế, chính sách… Việc xã hội hóa vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn vướng nên tỉnh đã đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo nghị định hướng dẫn.
Tỉnh Gia Lai đã có nhiều nghị quyết kêu gọi các dự án chăn nuôi. Ngành chăn nuôi đang có nhiều dự án chăn nuôi đang triển khai, hiện tỉnh có trang trại gần 110.000 con bò thịt chất lượng cao. Ngoài ra, Nutimilk cũng có trang trại 12.000 con bò sữa. Trước đây, sữa có Ba Vì hay TP.HCM có Củ Chi thì nay có bò sữa Mang Yang - Gia Lai. Ngoài con bò, tỉnh Gia Lai cũng có định hướng heo và gia cầm để phát triển trong ngành chăn nuôi. Trên cơ sở tự nhiên thuận lợi, ủng hộ của chính quyền nên tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi.
"Khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ… nên Gia Lai cũng đang kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp sinh thái. Nếu tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương thì cả hai cùng hạnh phúc. TP.HCM là thị trường lớn trong khi Gia Lai có nhiều ưu điểm nên hai bên đã ký kết hợp tác. Doanh nghiệp phát triển chăn nuôi, gắn với bảo vệ môi trường. Chính quyền sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp thực hiện dự án đúng theo các quy định của pháp luật. Dự án doanh nghiệp có đất rồi nhưng nếu không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì phải làm lại từ đầu, rất mất thời gian nên chính quyền sẽ bảo vệ doanh nghiệp trên tinh thần đúng pháp luật. Không gian phát triển còn rất lớn nên làm sao chọn con vật nuôi cho phù hợp, bảo vệ dịch bệnh…, làm sao giúp tỉnh phát triển, doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận.
Tại vùng có doanh nghiệp, tỉnh sẽ có kế hoạch để bảo vệ an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Gia Lai còn nhiều lĩnh vực khác, trong đó có nghị quyết phát triển rau quả 100.000 ha và dược liệu. Gia Lai sẽ mạnh hơn Sơn La vì đi sau nên khắc phục những vấn đề Sơn La gặp phải. Như chuối của Hoàng Anh Gia Lai ngon hơn chuối ở nơi khác nên bán toàn thế giới. Gia Lai có diện tích rừng rất rộng nên có thể chăn nuôi, du lịch sinh thái dưới tán rừng. Gia Lai có nghị quyết nữa là giải quyết sinh kế cho người dân tộc thiểu số nên phát triển trồng lại rừng, khôi phục lại ngành gỗ", ông Lưu Trung Nghĩa cho hay.
Bình luận (0)