Giá tăng, hàng tồn không còn nhiều
Ngày 23.5, giá cà phê Robusta trung bình ở các tỉnh giao dịch ở mức cao chưa từng có trong lịch sử với 61.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến chiều, một số địa phương báo giá đã tăng tới 64.000 đồng/kg. So đầu năm, giá cà phê hiện tại đã tăng khoảng 40%. Đến ngày hôm nay, giá cà phê đã giảm nhiệt nhưng vẫn còn giữ được mức trên 60.000 đồng/kg. Đây là con số mơ ước của những người trồng, kinh doanh cà phê trong những năm gần đây.
"Chưa bao giờ thị trường cà phê biến động mạnh đến vậy, ngay cả giai đoạn tháng 8 năm ngoái, giá cà phê lần đầu thiết lập mức 52.000 đồng/kg nhưng sụp đổ rất nhanh sau đó. 64.000 đồng/kg là mức giá mà không một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nào có thể tưởng tượng nổi", ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) nhận xét.
Theo ông Hiệp, nhu cầu hạt cà phê Robusta tăng cao bởi người tiêu dùng trên thế giới đang phải "thắt lưng buộc bụng" do ảnh hưởng lạm phát và suy thoái kinh tế. Trong khi đó, việc uống cà phê mỗi ngày là thói quen khó bỏ nhưng hạt Arabica lại quá đắt đỏ. Do đó, nhiều khách hàng tìm đến hạt Robusta với giá rẻ hơn để phối trộn với hạt Arabica nhằm giảm chi phí.
Số liệu của VICOFA cho biết, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam trong niên vụ 2022 - 2023 ước tính giảm 10 - 15% so với niên vụ trước. Dự báo năm nay chỉ đạt khoảng 1,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, bơ và chanh leo.
Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) - đơn vị xuất khẩu gần 101.000 tấn cà phê nhân năm 2022 thông tin: "Simexco Đắk Lắk dự đoán giá cà phê tăng trong mức kỷ lục của 15 năm qua là 56.000 đồng/kg cà phê nhân, nhưng giá tăng đến mức như hiện nay là không lường trước được. Thời điểm này, hầu như cà phê trong dân không còn, doanh nghiệp do chịu áp lực tài chính nên mua đến đâu bán đến đó, ít doanh nghiệp còn trữ hàng để bán. Một số doanh nghiệp còn hàng trong kho thì hầu như đã chốt đơn hàng, chốt giá, chỉ còn khâu giao hàng. Do đó, một số nhà xuất khẩu đối mặt với tình trạng thiếu hàng, không đủ hàng để giao trong những tháng cuối năm".
Nên bán thô hay để rang xay?
Theo Tổng Cục Hải quan, trong 7 tháng đầu niên vụ 2022 - 2023 (từ tháng 10.2022 đến tháng 4.2023), Việt Nam đã xuất khẩu 1,12 triệu tấn. VICOFA thì ước tính, lượng cà phê tiêu thụ nội địa khoảng 250.000 tấn. Lượng tồn kho của người dân hiện còn khoảng 100.000 tấn, cộng thêm 100.000 tấn tồn kho của niên vụ 2021 - 2022 gối sang thì lượng hàng trong nước còn lại chỉ khoảng 200.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta của Việt Nam trên thế giới bình quân mỗi tháng 100.000 tấn. Như vậy, tình hình thiếu hụt nguồn cung còn kéo dài tới 5 tháng nữa. Do đó, diễn biến giá cà phê sẽ còn rất khó lường.
Giá cà phê nhân tăng cao khiến cho những người kinh doanh cà phê chế biến, rang xay lâm vào cảnh khó khăn. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Luận, người sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More, chia sẻ: "Giá cà phê hiện nay tăng quá cao trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cà phê chế biến của chúng tôi đang giảm ở thị trường xuất khẩu. Cho nên, bài toán hiện nay là tạm thời ngừng mua nguyên liệu thô và tận dụng nguồn hàng tồn trữ".
Anh Vi Toản, một nông hộ chế biến cà phê rang xay thương hiệu Pure Coffee tại Chư Sê (Gia Lai) cũng băn khoăn: "Tôi trồng cà phê để rang xay bán khép kín mà giá cà phê nhân tăng cao quá, mấy ngày nay thương lái hỏi liên tục. Trong khi đó tiêu thụ cà phê rang xay thì không tăng giá được. Tôi chưa biết phải tính như thế nào, có thể phải bán nhân thô luôn vì giá cao có lãi nhiều hơn".
Câu hỏi bán thô hay để dành nguyên liệu rang xay cũng được khá nhiều người quan tâm. Chị Hoàng Hà, ngụ tại Di Linh (Lâm Đồng) phân vân: "Giá cà phê nguyên liệu tăng cao khiến cho việc bán cà phê rang xay giảm bớt lợi nhuận, trong khi đó bán nhân xô sẽ lại có lợi hơn. Mấy hôm nay tôi cũng suy tính và có lẽ sẽ bán xô luôn cho thương lái".
Việc tập trung bán nhân xô để xuất khẩu khi giá thế giới tăng cao sẽ dẫn đến hệ lụy là đẩy giá bán lẻ cà phê trong nước, nhất là giá bán cà phê ở hàng quán. Theo ghi nhận của chúng tôi, gần đây nhiều cửa tiệm bán cà phê tại TP.HCM đã điều chỉnh giá bán thêm 2.000 đồng/ly. Anh Quốc Thanh, chủ tiệm cà phê tại hồ bơi Đại Đồng, Q.Bình Thạnh (TP.HCM) thừa nhận: "Mấy ngày nay tôi vẫn đang dùng nguyên liệu còn dự trữ nên chưa điều chỉnh giá, nhưng đại lý cung cấp cà phê đã thông báo sẽ điều chỉnh giá tăng thêm 5.000 đồng/kg nên cũng chưa biết như thế nào".
Bình luận (0)