Giả mạo nhà sư, thầy bói trên mạng xã hội

20/02/2024 17:48 GMT+7

Theo Bộ TT-TT, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, tình hình lừa đảo trực tuyến diễn ra khá phức tạp. Nhiều đối tượng đã lợi dụng tín ngưỡng của người dân để trục lợi, giả mạo các dịch vụ tâm linh để chiếm đoạt tài sản của người dân.

Đây là cảnh báo được Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã đưa ra ngày 20.2 về các hình thức lừa đảo trực tuyến diễn ra trong và sau dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Giả mạo nhà sư, thầy bói trên mạng xã hội- Ảnh 1.

Cô đồng T.H vừa bổ cau vừa xem bói từng gây sốt trên TikTok hồi đầu năm 2023

CHỤP MÀN HÌNH

Bùng phát các hoạt động mê tín dị đoan trên mạng xã hội

Theo Cục An toàn thông tin, tâm linh là một giá trị văn hóa được nhiều cha ông giữ gìn đến ngày nay. Tuy nhiên, thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok hay các website, hàng loạt các cá nhân giả mạo sư thầy, thầy bói... xuất hiện, tạo một "thị trường tâm linh" phủ đầy không gian mạng. Mỗi hội nhóm có thể lên tới hàng trăm ngàn thành viên tham gia.

Nhiều đối tượng đã lợi dụng tín ngưỡng của người dân để trục lợi, giả mạo các dịch vụ tâm linh để chiếm đoạt tài sản của người dân. Khi nhiều người dân có tâm lý tiễn trừ vận xui của năm cũ, cầu vận may trong năm mới thì cũng là lúc các dịch vụ tâm linh trực tuyến bùng phát.

Đáng chú ý, không ít người đã tự biến mình thành nạn nhân của những trò lừa đảo tâm linh trên mạng vì tin theo lời bói toán vô căn cứ, dẫn tới hậu quả xấu cho bản thân và gia đình, mất thời gian tiền của, mua về sự lo lắng, hoang mang.

Cô đồng bổ cau 'đúng nhận, sai cãi' ở Hải Dương tiếp tục bị khởi tố - Video tư liệu

Việc nhiều người dân tin tưởng một cách mù quáng vào vận may rủi đã tạo cơ hội cho những đối tượng lợi dụng hình thức tâm linh online trục lợi, lừa đảo, vô hình trung khiến giá trị của tâm linh bị biến tướng theo.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên quá sa đà vào hình thức tâm linh trên mạng xã hội. Người dân nên lựa chọn và tìm đến những địa chỉ uy tín, không nên quá tin tưởng vào những hình thức biến tướng của hình thức xem tâm linh trên không gian mạng. Người dùng cần tìm hiểu kỹ và xác minh chính xác đối tượng trước khi thực hiện bất kỳ một giao dịch nào trên mạng xã hội.

Giả danh quân nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Ngoài hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin cho biết, tại nhiều địa bàn xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến với thủ đoạn mới mạo danh, giả danh quân nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Cục Chính trị Quân khu 7, tính từ tháng 7.2023 đến nay, trên địa bàn đã phát hiện 75 vụ việc mạo danh, giả danh cán bộ, nhân viên quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài gọi điện thoại, các đối tượng còn mặc quân phục để gọi video khiến nạn nhân tin tưởng, mất cảnh giác. Cạnh đó, một số đối tượng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn cho người dân, tự xưng là "chỉ huy, quản lý" của con em đang công tác trong quân đội để thông báo liên quan đến hành vi vi phạm kỷ luật và đề nghị người dân chuyển tiền đền bù thiệt hại, khắc phục hậu quả do con em mình gây ra.

Trên thực tế, các cơ quan, đơn vị không làm việc qua điện thoại như những tình huống trên, bởi vậy người dân cần bình tĩnh, cảnh giác, tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu, đồng thời cần kịp thời thông báo với cơ quan chức năng để có hướng giải quyết, tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác và đề phòng trước những chiêu trò trên. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu VNeID, mã OTP, thông tin căn cước công dân, tài khoản ngân hàng... cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào không có trách nhiệm; không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ số điện thoại lạ gọi đến.

Vẫn theo Cục An toàn thông tin, các cơ quan địa phương cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng ngành tuyên giáo, thông tin và truyền thông... cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự, công an cùng cấp, thống nhất các nội dung thông tin tuyên truyền trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, hiểu biết và tinh thần cảnh giác của nhân dân. Điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng lừa đảo để tạo sự răn đe.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết vụ việc theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.