Giả mua chó, lừa hàng trăm triệu đồng trong tài khoản.

20/10/2018 13:48 GMT+7

Lừa đảo bằng cách gửi đường link giả mạo rồi lấy cắp thông tin tài khoản ngân hàng để trộm tiền bùng phát trong thời gian gần đây. Dù cảnh báo nhiều nhưng vẫn nhiều người mất tiền sau một cái click chuột.

Giả mua chó, lừa hơn trăm triệu đồng
Sáng ngày 20.10, ông Phương (TP.Hải Phòng) – người bị trộm 122 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng cho hay sự việc vẫn chưa có hướng giải quyết nào dù đã 10 ngày trôi qua. Ông Phương kể, vào ngày 9.10, một facebook có nick là Pham Duy Tung hỏi ông Phương mua 1 con chó trị giá 8 triệu đồng. Pham Duy Tung trả giá 7,8 triệu đồng để làm quà tặng và cho hay đang ở Úc nên tiền sẽ được chuyển qua tài khoản ngân hàng. Sau đó, ông Phương nhận được một tin nhắn có kèm dẫn một đường dẫn đến một website và làm theo hướng dẫn. Chỉ sau 2 phút, tài khoản ngân hàng của ông Phương đã bị chuyển đi 122 triệu đồng. Biết bị lừa, ông Phương điện cho ngân hàng thì nhận được tin tiền đã chuyển vào một tài khoản khác nhưng ngân hàng không có quyền khoanh tài khoản đã nhận tiền. Chỉ vài phút sau, số tiền từ tài khoản này tiếp tục được chuyển qua một tài khoản khác nữa. Ông Phương cho hay : Đến giờ này, ông gần như không còn thông tin nào về số tiền của mình. Sự việc hiện đang được phía công an giải quyết.
Ông Phương cho biết, sau khi việc ông bị lừa được công bố, nhiều người bị Pham Duy Tung lừa số tiền vài chục triệu đồng mỗi trường hợp cũng theo hình thức này đã liên hệ trao đổi với ông những ngày qua. Qua trao đổi cho thấy, kẻ lừa đảo tập trung vào những người mua bán hàng trên mạng và chọn lúc ngân hàng chưa hoạt động để người bị hại gặp khó khăn khi trình báo cũng như ngăn chặn việc chuyển tiền đi. “Kẻ lừa đảo rành công nghệ, lập ra các web giả mạo do chúng điều khiển nên ngay khi bị lộ thông tin, chúng đã trộm tiền ngay lập tức”, ông Phương cho hay.
Nhấp chuột, mất tiền
Trong những vụ mất tiền như trên, người chuyển tiền thường kỳ vọng phía công an sẽ truy ra chủ tài khoản nhận tiền. Nhưng việc này thực tế không đơn giản bởi kẻ lừa đảo đã chuẩn bị những kịch bản để “cắt đuôi” truy tìm dấu vết. Tại một cuộc họp tuần trước, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an TP.HCM chia sẻ : Tình trạng tài khoản ngân hàng giả khá nhiều, kẻ lừa đảo sử dụng những giấy tờ giả hoặc thuê người khác mở tài khoản rồi mua lại để thực hiện hành vi lừa đảo. Các vụ án lừa đảo thực hiện giao dịch qua tài khoản ngân hàng có tỷ lệ cao.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN (Techcombank) gần đây phát hiện nhiều trường hợp kẻ gian thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền rất tinh vi bằng cách giả mạo kênh thanh toán Western Union. Kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người thân, bạn bè ở nước ngoài của khách hàng sau đó gửi tin nhắn giả mạo thông qua SMS, iMessage, Facebook Messenger, Zalo,… yêu cầu đăng nhập vào đường link giả mạo để thực hiện giao dịch và nhận tiền. Một số dạng website giả mạo điển hình như techwesternunion.weebly.com, westernunion.weebly.com… Tại website giả mạo này, khách hàng được yêu cầu cung cấp các thông tin bảo mật bao gồm số tài khoản, tài khoản đăng nhập, mật khẩu, mã OTP... Khi lấy được các thông tin, kẻ lừa đảo sẽ đăng nhập vào tài khoản của khách hàng trên website Internet banking của ngân hàng để thực hiện giao dịch và lấy tiền.
Techcombank khuyến cáo khách hàng không đăng nhập thông tin tài khoản (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP) vào bất cứ trang web nào ngoài cổng ngân hàng điện tử của ngân hàng, đặc biệt giữ tuyệt đối mã OTP cho bất kỳ ai kể cả ngân hàng trong bất kỳ trường hợp nào vì mã OTP chỉ sử dụng duy nhất cho mục đích xác nhận chuyển tiền đi hoặc thay đổi thông tin. Một chuyên gia tài chính khuyến cáo vào những dịp cuối năm, người dân thường giao dịch mua bán nhiều trên mạng, cũng như nhận được kiều hối từ người thân thì hãy thận trọng trước những chiêu lừa đảo như trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.